Phương pháp hóa trị trong ung thư

Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư chính hiện nay bên cạnh các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp trúng đích,…

Hóa trị là gì?

Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư chính hiện nay bên cạnh các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp trúng đích,… Phương pháp hóa trị ung thư sẽ sử dụng các loại thuốc kháng ung thư nhằm giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, phá hủy tế bào ung thư, ngăn chặn các tế bào này phát triển, phân chia và xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Liệu pháp này có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Tùy thuộc vào từng loại bệnh ung thư và ở giai đoạn nào mà bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp. Phương pháp hóa trị có khả năng giúp bệnh nhân điều trị khỏi hoặc giảm bớt ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Sử dụng hóa trị trong điều trị ung thư giúp làm chậm sự phát triển của khối u, giúp giảm đau do bệnh đồng thời tạo thuận lợi cho xạ trị hoặc phẫu thuật. Bởi vì các tế bào ung thư sẽ phát triển và phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh bình thường, do đó hóa trị liệu sẽ có tác động lên tế bào ung thư nhiều hơn là tế bào bình thường. Tuy nhiên, thuốc hóa trị vẫn có thể gây ảnh hưởng trên tế bào bình thường, dẫn đến bệnh nhân có nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Một số tác dụng phụ của hóa trị ung thư có thể dự phòng và giảm mức độ được để hạn chế phải kéo dài thời gian điều trị hoặc phải dùng điều trị. Chính vì thế, bệnh nhân ung thư cần lắng nghe ý kiến và tuân thủ đầy đủ chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý với những bệnh nhân chống chỉ định. Cụ thể phụ nữ mang thai, người bị suy tim, suy thận, sức khỏe yếu không thể đáp ứng được quá trình hóa trị không được thực hiện phương pháp này.

hoa-tri-ung-thu

Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư chính hiện nay

Trung tâm Y khoa NeoMedic  - Chuyên sâu về y khoa, chuyên gia, bác sĩ đầu ngành Ung bướu

Một số thuật ngữ trong hóa trị 

Trong hóa trị điều trị bệnh ung thư sẽ có một số thuật ngữ được bác sĩ sử dụng. Để có thể hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị này, dưới đây là một số thuật ngữ thường gặp:

  • Hóa trị bổ trợ: với những bệnh nhân sau phẫu thuật áp dụng phương pháp hóa trị này để loại bỏ những tế bào ung thư ác tính còn sót lại trong cơ thể, ngăn chặn sự tái phát, di căn.
  • Hóa trị tân bổ trợ: được điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn không mổ được. Lúc này hóa trị tân bổ trợ có tác dụng làm giảm kích thước khối u, trở thành khối u có thể mổ được, giúp tăng tỷ lệ phẫu thuật bảo tồn (ví dụ như trong ung thư vú)
  • Hóa trị tấn công: được điều trị cho bệnh nhân ung thư máu cấp
  • Hóa trị củng cố: giúp duy trì và giữ được sự ổn định của bệnh
  • Hóa trị triệu chứng: áp dụng cho những người bệnh ở giai đoạn muộn điều trị các triệu chứng.

Các tác dụng chính của hóa trị trong điều trị ung thư

Dựa trên các loại và giai đoạn ung thư của từng bệnh nhân mà phương pháp hóa trị sẽ đem lại các tác dụng khác nhau. Cụ thể là:

  • Điều trị tận gốc ung thư (hiếm khi xảy ra): trong một số trường hợp nhất định, việc điều trị bằng hóa trị có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào gây ung thư trong cơ thể. Đặc biệt, nó có khả năng ngăn chặn ung thư tái phát
  • Kiểm soát ung thư: một tác dụng nổi bật khác của hóa trị là có khả năng ngăn ngừa ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể và làm kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng của các khối u ác tính.
  • Giảm nhẹ các triệu chứng: đối với những trường hợp bị ung thư nặng mà hóa trị không thể chữa khỏi hoặc kiểm soát được sự lây lan của ung thư, phương pháp này sẽ có tác dụng thu nhỏ khối u gây đau đớn hoặc chèn ép lên các cơ quan lân cận trong cơ thể. Các khối u ác tính vẫn có thể tiếp tục phát triển trở lại sau khi điều trị bằng hóa trị.
hoa-tri-ung-thu

Điều trị bằng hóa trị có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào gây ung thư

Lưu ý: Liệu pháp hóa trị ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Vì sao cần thực hiện hóa trị?

Hóa trị được ưu tiên chỉ định trong điều trị hầu hết loại bệnh ung thư, tùy theo từng bệnh, từng giai đoạn, tùy tình trạng người bệnh mà có các phác đồ phù hợp. Phương pháp điều trị nay có những vai trò chính sau:

Giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển, phân chia và lây lan của các tế bào ung thư bên trong cơ thể;

Tác động trực tiếp vào các tế bào ung thư khiến các khối u này giảm kích thước, giảm giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân ung thư bắt đầu các bước điều trị tiếp theo như phẫu thuật hoặc xạ trị;

Điều trị các triệu chứng: phương pháp hóa trị ung thư giúp bệnh nhân có thể giảm thiểu được các triệu chứng như đau nhức, chèn ép, từ đó cải thiện được chất lượng sống;

Điều trị bổ trợ: trong những trường hợp bệnh nhân vừa trải qua đợt phẫu thuật lấy khối u, bác sĩ sẽ chỉ định thêm phương pháp hóa trị ung thư nhằm mục đích tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư còn sót lại, cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát và di căn.

Tham khảo: Thông tin cần biết về phương pháp hóa trị ung thư vú

Ưu nhược điểm của hóa trị so với các phương pháp điều trị ung thư khác

Phương pháp hóa trị ung thư cũng có những ưu nhược điểm nhất định, cụ thể là:

  • Ưu điểm

Hóa trị liệu có vai trò tiêu diệt, làm chậm quá trình phát triển của khối u, ngăn việc khối u phân chia và lan tràn trong cơ thể; đồng thời giúp giảm các triệu chứng chèn ép và xâm lấn ở bệnh nhân, bệnh nhân có thể giảm các triệu chứng đau đớn do bệnh ung thư

  • Nhược điểm

Bên cạnh ưu điểm, hóa trị cũng có hạn chế là gây ra nhiều tác dụng phụ, có thể ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Bởi khi vào cơ thể, thuốc hóa trị sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng cũng đồng thời tác dụng lên tế bào khỏe mạnh bình thường

Tìm hiểu ngay: Gói khám sức khỏe tổng quát của Trung tâm Y khoa NeoMedic tại đây!

Hóa trị được thực hiện như thế nào

Thuốc hóa trị sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo 2 đường chính là đường uống hoặc đường tiêm truyền. Tùy vào loại bệnh ung thư cụ thể, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe bệnh nhân,.. mà bác sĩ sẽ có chỉ định loại thuốc và cách thực hiện phù hợp nhất.

  • Hóa trị đường uống

Một số loại thuốc hóa trị ung thư có thể đưa vào cơ thể bằng đường uống. Thuốc có thể có dạng viên, dạng lỏng hoặc dạng con nhộng. Sau khi uống, thuốc sẽ được cơ thể hấp thu ở dạ dày, dịch tiêu hóa có trong dạ dày sẽ phá vỡ lớp màng của thuốc, giúp thuốc phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể bị dịch tiêu hóa ở dạ dày làm mất tác dụng hoặc thuốc làm tổn thương niêm mạc dạ dày bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần lưu ý những biểu hiện sau uống thuốc để được hướng dẫn phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.

hoa-tri-ung-thu-duong-uong

Thuốc có thể có dạng viên, dạng lỏng hoặc dạng con nhộng

  • Hóa trị tiêm dưới da

Những loại thuốc hóa trị liệu ở dạng sinh học sẽ được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm dưới da. Bác sĩ sẽ sử dụng loại kim tiêm ngắn để đưa thuốc vào phần dưới da, đảm bảo không đi sâu vào lớp cơ. Cách làm này phù hợp cho những bệnh nhân có lượng tiểu cầu thấp bởi hạn chế được việc chảy máu so với tiêm bắp.

  • Hóa trị tiêm bắp:

Tương tự như tiêm dưới da, ở hóa trị tiêm bắp, bác sĩ sẽ sử dụng loại kim tiêm có kích thước lớn hơn để đưa thuốc sâu vào da, giúp thuốc thấm sâu vào trong các tổ chức cơ. Tuy nhiên, cách làm này cho hiệu quả thuốc hấp thu chậm hơn đường tiêm dưới da và đường truyền tĩnh mạch.

  • Hóa trị nội động mạch:

Động mạch là mạch máu chính đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Một số loại thuốc hóa trị được tiêm vào động mạch bệnh nhân ung thư để thuốc được đưa trực tiếp đến vùng có khối u.

  • Một số cách dùng thuốc hóa trị khác:

- Màng bụng: thuốc được đưa vào khoang màng bụng, xung quanh các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng nhưng không vào dạ dày hoặc một cơ quan nào khác

- Bàng quang: thông thường phương pháp này được chỉ định trên những bệnh nhân ung thư bàng quang sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u

- Màng phổi: thuốc sẽ được đưa vào khoang màng phổi, phần khoang giữa phổi nhằm kiểm soát dịch màng phổi, ngăn ngừa trường hợp quá nhiều dịch gây chèn ép, khó thở ở bệnh nhân

- Hóa trị tại chỗ: bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hóa trị dạng kem bôi trực tiếp lên vùng bị tổn thương, thường được áp dụng trong điều trị ung thư da.

Đọc thêm: Hoá trị ung thư vú diễn ra như thế nào?

Thời gian hóa trị mất bao lâu

Thời gian điều trị hóa trị đối với bệnh ung thư còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh ở giai đoạn nào, bệnh ung thư gì, loại thuốc hóa chất

Tuy nhiên, theo phác đồ chung thì hóa trị trong điều trị ung thư được chia thành từng đợt. Bệnh nhân sẽ có thời gian nghỉ giữa các đợt để phục hồi sức khỏe. Thời gian này sẽ được quy định chặt chẽ làm sao cho các tế bào ung thư chưa trỗi dậy.

Mặc dù hiện nay có nhiều phương pháp, loại thuốc điều trị ung thư khác, nhưng hóa trị vẫn giữ được vai trò quan trọng trong chiến lược điều trị

Tìm hiểu ngay: Chuyên khoa Ung bướu của chúng tôi tại đây!