Cảnh báo ung thư vú di căn xương: Có chữa được không?

Ung thư vú di căn xương là giai đoạn nguy hiểm, gây đau đớn và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Theo dõi chi tiết trong bài viết sau!

Di căn xương là dạng di căn phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư vú. Việc điều trị ung thư vú di căn xương cần được thực hiện kịp thời để kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Tổng quan về ung thư vú di căn xương

Ung thư vú di căn xương là một trong những biến chứng nghiêm trọng khi tế bào ung thư từ tuyến vú lan rộng và xâm nhập vào hệ thống xương, thường được chẩn đoán ở giai đoạn IV của bệnh. Mặc dù tế bào ung thư đã phát triển trong xương nhưng về bản chất đây vẫn là ung thư vú, không phải ung thư xương nguyên phát.

Quá trình di căn xảy ra khi các tế bào ung thư tách khỏi khối u ban đầu tại tuyến vú, di chuyển qua hệ thống tuần hoàn hoặc bạch huyết để đến xương. Sau khi xâm nhập vào mô xương, các tế bào ung thư bắt đầu hình thành khối u thứ phát và kích thích sự phát triển của các mạch máu mới để nuôi dưỡng khối u. Đồng thời, tế bào ung thư có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch bằng cách tạo ra một lớp vỏ protein bảo vệ, giúp chúng tồn tại và phát triển tại vị trí mới.

Thống kê cho thấy, hơn 85% các trường hợp ung thư vú di căn đều ảnh hưởng đến xương. Các vị trí xương dễ bị ung thư vú di căn nhất bao gồm cột sống, xương sườn, xương chậu, xương đùi và xương cánh tay.

Khối u di căn vào xương gây tổn thương cấu trúc xương, làm suy yếu sức mạnh của xương và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đau xương kéo dài, gãy xương bệnh lý do xương bị suy yếu, chèn ép tủy sống gây hạn chế vận động và tăng canxi máu ác tính. Những vấn đề này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn đòi hỏi các phương pháp điều trị tích cực để kiểm soát sự tiến triển của bệnh.

ung-thu-vu-di-can-xuong-1

Tổng quan về ung thư vú di căn xương

2. Dấu hiệu ung thư vú đã di căn đến xương

Ung thư vú di căn xương thường đi kèm với nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó đau xương là dấu hiệu phổ biến nhất. Cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài liên tục, thường trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi. Cơn đau thường gặp ở vùng cột sống, xương chậu, xương đùi hoặc cánh tay. Đau có thể tăng lên khi vận động hoặc chịu áp lực.

Một số dấu hiệu điển hình khác của ung thư vú di căn xương bao gồm:

  • Gãy xương bệnh lý: Xương trở nên giòn và dễ gãy, ngay cả khi không có chấn thương mạnh.
  • Chèn ép tủy sống: Khi ung thư di căn đến cột sống, có thể gây chèn ép tủy sống, dẫn đến tê bì, yếu liệt chân tay và rối loạn chức năng tiểu tiện.
  • Giảm sản xuất tế bào máu: Khi tế bào ung thư xâm nhập tủy xương, có thể gây thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu.
  • Tăng canxi máu: Xảy ra khi xương bị phá hủy, giải phóng canxi vào máu, gây mệt mỏi, buồn nôn, khát nước và rối loạn tiêu hóa.
  • Triệu chứng khác: đau khi hít thở, khó thở,...
ung-thu-vu-di-can-xuong-2

Dấu hiệu ung thư vú đã di căn đến xương

3. Chẩn đoán ung thư vú di căn xương như thế nào?

Chẩn đoán ung thư vú di căn xương bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá mức độ lan rộng và ảnh hưởng của bệnh. Một số phương pháp chẩn đoán ung thư vú di căn xương phổ biến bao gồm:

Sinh thiết vú: Khi nghi ngờ ung thư di căn xương, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết khối u bằng các phương pháp như sinh thiết kim nhỏ, kim lõi, hút chân không hoặc phẫu thuật sinh thiết để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Xét nghiệm máu: Ung thư vú di căn xương có thể làm tăng nồng độ canxi và phosphatase kiềm (ALP) trong máu. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để phát hiện mức canxi bất thường, giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương xương.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • MRI (Chụp cộng hưởng từ): Đây là phương pháp có độ nhạy cao, giúp phát hiện sự xâm lấn của tế bào ung thư vào tủy xương và các mô xung quanh.
  • Chụp X-quang: Phương pháp đơn giản và thường được chỉ định đầu tiên để phát hiện dấu hiệu hủy xương khi bệnh nhân có triệu chứng đau xương hoặc nghi ngờ ung thư di căn.
  • Chụp CT (Cắt lớp vi tính): Giúp phân tích chi tiết kích thước, hình dạng của khối u di căn và đánh giá mức độ tổn thương xương chính xác hơn so với X-quang.
  • Chụp xạ hình xương: Kỹ thuật này cho độ nhạy cao, có khả năng thăm dò toàn bộ hệ xương để phát hiện ung thư di căn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, chụp xạ hình xương cũng giúp đánh giá đáp ứng điều trị trong quá trình theo dõi bệnh.
ung-thu-vu-di-can-xuong-3

Chẩn đoán ung thư vú di căn xương

4. Ung thư vú di căn xương có chữa được không?

Ung thư vú di căn xương hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Không chỉ vậy, nhiều loại thuốc điều trị ung thư có thể gây tổn thương đến các cơ quan như gan, thận và mô xương khỏe mạnh. Các hợp chất chống tiêu xương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc xương khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ gãy xương hoặc các vấn đề liên quan khác. Bên cạnh đó, mặc dù các phương pháp điều trị hiện đại có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng chúng chưa cải thiện được đáng kể tỷ lệ sống sót lâu dài.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ trong y học, các phương pháp điều trị tiên tiến đang được áp dụng để giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ một cách đáng kể. Nhiều nghiên cứu mới đang được tiến hành để tìm ra các phương pháp điều trị ít độc hại hơn và hiệu quả hơn, mang lại hy vọng lớn hơn cho người bệnh.

ung-thu-vu-di-can-xuong-4

Ung thư vú di căn xương có chữa được không?

5. Các phương pháp điều trị phổ biến

Việc điều trị ung thư vú di căn xương cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm ngăn tế bào ung thư tiến triển, giảm đau và duy trì khả năng vận động, đồng thời hỗ trợ kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần dựa trên tình trạng sức khỏe tổng quát, mức độ di căn và khả năng đáp ứng của từng cá nhân. Sau đây là những phương pháp điều trị phổ biến:

5.1. Điều trị toàn thân

Các phương pháp điều trị toàn thân tác động đến toàn bộ cơ thể nhằm kiểm soát tế bào ung thư ở cả xương và các cơ quan khác. Một số phương pháp phổ biến bao gồm:

  • Hóa trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư trên diện rộng. Phương pháp này thường được áp dụng khi ung thư lan rộng, diễn tiến nhanh, không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác hoặc phối hợp hóa trị với phẫu thuật.
  • Liệu pháp hormon: Áp dụng cho các trường hợp ung thư vú dương tính với thụ thể hormone (HR+), giúp ức chế sự phát triển của khối u bằng cách giảm hoặc ngăn chặn hormone estrogen. Bao gồm các thuốc như Tamoxifen, arimidex,...
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Tác động trực tiếp vào các đặc điểm phân tử đặc trưng của tế bào ung thư, chẳng hạn như ung thư vú dương tính HER2 để hạn chế sự phát triển của khối u mà ít gây hại đến tế bào khỏe mạnh.
  • Liệu pháp miễn dịch: Giúp kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.

5.2. Điều trị tại chỗ

Đối với ung thư vú di căn xương, các phương pháp điều trị tại chỗ giúp kiểm soát triệu chứng tại khu vực xương bị ảnh hưởng, ngăn ngừa biến chứng như gãy xương hoặc chèn ép tủy sống. Các phương pháp bao gồm:

Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư tại khu vực bị tổn thương, giúp giảm đau, ổn định xương sau phẫu thuật và làm chậm sự phát triển của bệnh. Các phương pháp xạ trị thường được áp dụng là xạ trị chùm tia ngoài như xạ trị lập thể và xạ trị phù hợp mô đích liều cao.

Phẫu thuật: Khi ung thư gây gãy xương hoặc nguy cơ gãy cao, bác sĩ có thể thực hiện các can thiệp phẫu thuật như:

  • Cố định xương bằng đinh, vít hoặc tấm kim loại để phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.
  • Loại bỏ khối u di căn tại xương (trong trường hợp bệnh khu trú).

Bơm xi măng cột sống: Giúp củng cố các đốt sống bị tổn thương, giảm đau và cải thiện chức năng vận động.

ung-thu-vu-di-can-xuong-5

Điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ

5.3. Điều trị hỗ trợ

Bên cạnh các phương pháp điều trị chính, việc kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân là rất quan trọng. Một số biện pháp hỗ trợ phổ biến bao gồm:

Thuốc chống hủy xương:

  • Bisphosphonates (như Aredia, Zometa): Giúp làm chậm quá trình hủy xương, giảm nồng độ canxi trong máu, giảm nguy cơ gãy xương và giảm đau.
  • Denosumab (Xgeva): Ngăn chặn sự phá hủy xương do tế bào ung thư gây ra, giúp phòng ngừa gãy xương.

Thuốc giảm đau: Từ các thuốc giảm đau không kê đơn đến các thuốc giảm đau nhóm opioid theo chỉ định của bác sĩ.

Steroid: Giúp giảm viêm và kiểm soát cơn đau nhanh chóng, tuy nhiên cần sử dụng thận trọng do tác dụng phụ khi dùng lâu dài.

Ngoài các phương pháp kể trên, chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ tâm lý cũng là những biện pháp đóng vai trò quan trọng hỗ trợ người bệnh trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

ung-thu-vu-di-can-xuong-6

Điều trị hỗ trợ

6. Ung thư vú di căn xương sống được bao lâu?

Thời gian sống của bệnh nhân ung thư vú di căn xương là mối quan tâm hàng đầu đối với người bệnh và gia đình. Tiên lượng sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, mức độ di căn, đáp ứng điều trị, thể trạng tổng quát và các bệnh lý kèm theo của người bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như loại ung thư vú (HER2 dương tính, thụ thể nội tiết dương tính hoặc âm tính) cũng có ảnh hưởng không nhỏ.

Theo một nghiên cứu được công bố năm 2018, thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư vú khi đã di căn đến xương rơi vào khoảng 8,3 năm. Thời gian sống của người bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm nếu được điều trị tích cực và toàn diện.

Tuy nhiên, tiên lượng sống có sự khác biệt giữa từng trường hợp cụ thể. Nếu ung thư chỉ giới hạn ở xương và chưa lan sang các cơ quan quan trọng như phổi, gan hoặc não, khả năng kiểm soát bệnh tốt hơn, từ đó kéo dài thời gian sống đáng kể. Ngược lại, khi khối u đã di căn rộng khắp cơ thể, tiên lượng thường xấu hơn, với thời gian sống trung bình giảm đáng kể.

ung-thu-vu-di-can-xuong-7

Ung thư vú di căn xương sống được bao lâu?

7. Làm sao để phòng ngừa ung thư vú di căn?

Phòng ngừa ung thư vú di căn xương là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kết hợp giữa lối sống lành mạnh, kiểm tra y tế định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị. Sau đây là những biện pháp giúp giảm nguy cơ ung thư vú tiến triển và di căn:

Duy trì lối sống lành mạnh

  • Chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, giàu đường và chất béo bão hòa. Bổ sung canxi và vitamin D để bảo vệ sức khỏe xương.
  • Vận động thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần với các bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội để duy trì cân nặng hợp lý và giảm stress.
  • Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tái phát và di căn ung thư vú.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Tuân thủ điều trị theo phác đồ

  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa khối u lan rộng.
  • Tái khám đúng hẹn để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm dấu hiệu di căn xương.
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường như đau xương, sưng tấy, gãy xương không rõ nguyên nhân.
  • Áp dụng các phương pháp bổ trợ như thiền định, châm cứu, xoa bóp trị liệu để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Bổ sung các thảo dược hỗ trợ dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế để giảm tác dụng phụ của điều trị chính.

Hạn chế các yếu tố nguy cơ ung thư

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia xạ hoặc các yếu tố môi trường có thể kích thích ung thư phát triển.
  • Giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress kéo dài vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và thúc đẩy  tiến triển bệnh.
ung-thu-vu-di-can-xuong-8

Làm sao để phòng ngừa ung thư vú di căn?

Việc phòng ngừa ung thư vú di căn xương không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Chủ động xây dựng lối sống lành mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa quan trọng để kiểm soát căn bệnh này.

Tham khảo:

1. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8833898/ 

2. https://www.breastcancer.org/types/metastatic/bone-metastasis