Ung thư biểu mô ống xâm lấn và ung thư biểu mô ống tại chỗ
Ung thư biểu mô ống là một loại ung thư vú phổ biến, các tế bào ác tính bắt đầu phát triển trong các tế bào lót ống dẫn sữa làm nhiệm vụ mang sữa mẹ đến núm vú.
Ung thư biểu mô ống là gì?
Ung thư biểu mô ống là một loại ung thư vú phổ biến, các tế bào ác tính bắt đầu phát triển trong các tế bào lót ống dẫn sữa làm nhiệm vụ mang sữa mẹ đến núm vú.
Có hai loại ung thư biểu mô ống:
- Ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC)
- Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS), còn được gọi là ung thư biểu mô nội ống
Đối với dạng ung thư này, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị cho mỗi loại ung thư là khác nhau.
Ung thư biểu mô ống xâm lấn là gì?
Ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC) chiếm khoảng 80% trong tất cả các trường hợp ung thư vú xâm lấn ở phụ nữ và 90% ở đàn ông.
Tế bào ác tính bắt đầu trong các tế bào của ống dẫn sữa, tiếp đó tế bào phát triển xuyên qua thành ống dẫn sữa và vào mô vú xung quanh. Tế bào này cũng có thể lan sang các cơ quan khác trên cơ thể.
Triệu chứng của ung thư biểu mô ống xâm lấn
Triệu chứng ung thư biểu mô ống xâm lấn bao gồm:
- Một khối u trong vú
- Da vú dày lên
- Phát ban hoặc đỏ vùng vú
- Vú sưng tấy
- Vú xuất hiện cơn đau mới
- Lúm đồng tiền trên vú hoặc da núm vú
- Đau núm vú
- Núm vú thụt vào trong
- Tiết dịch núm vú
- Khối u dưới cánh tay
- Những thay đổi tại vú hoặc núm vú khác với những gì biểu hiện xảy ra trong kỳ kinh nguyệt
Chẩn đoán ung thư biểu mô ống xâm lấn
IDC thường được phát hiện khi kết quả chụp mammography bất thường. Để chẩn đoán ung thư, bạn sẽ được sinh thiết để thu thập các mẫu bệnh phẩm mang đi phân tích. Bác sĩ sẽ lấy một ít mô để quan sát dưới kính hiển vi. Bác sĩ có thể chẩn đoán từ kết quả sinh thiết.
Nếu kết quả sinh thiết xác nhận bạn bị ung thư, bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm để đánh giá độ lớn của khối u và mức độ lan rộng:
- Chụp CT Scan. Kỹ thuật kết hợp máy tính và tia X để tạo ra những hình ảnh chi tiết của các cơ quan bên trong cơ thể.
- PET Scan. Bác sĩ tiêm một chất phóng xạ gọi là chất đánh dấu vào bên dưới cánh tay. Chất này đi khắp cơ thể và được hấp thụ vào các tế bào ung thư. Cùng với chụp CT Scan, xét nghiệm này có thể giúp phát hiện ung thư ở các hạch bạch huyết và các khu vực lân cận khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp này sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của vú và các cấu trúc khác bên trong cơ thể bạn.
- Xạ hình xương (Bone Scan). Bác sĩ tiêm chất đánh dấu vào cánh tay và ghi hình để phát hiện ung thư đã di căn đến xương hay chưa.
- Chụp X-quang lồng ngực. Sử dụng liều lượng phóng xạ thấp để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong lồng ngực.
Giai đoạn ung thư biểu mô ống xâm lấn
Kết quả từ các xét nghiệm sẽ đánh giá giai đoạn ung thư. Giai đoạn là khái niệm của quá trình mà các bác sĩ sử dụng để tìm hiểu xem ung thư vú đã lan rộng như thế nào và lan rộng đến đâu. Hiểu rõ giai đoạn bệnh sẽ giúp hướng dẫn điều trị.
Các bác sĩ có thể sử dụng kết quả từ xét nghiệm chẩn đoán để thu thập thông tin về khối u. Bác sĩ sẽ nhóm theo một hệ thống gọi là TNM:
- Khối u (T): Khối u nguyên phát lớn như thế nào? Vị trí khối u?
- Hạch (N): Khối u đã lan đến các hạch bạch huyết hay chưa ? Vị trí hạch ? Bao nhiêu hạch?
- Di căn (M): Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể chưa? Di căn tới cơ quan nào? Di căn bao nhiêu cơ quan?
Để phân loại giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ kết hợp giai đoạn TNM với phân loại khối u (các tế bào khối u và mô được mô tả như thế nào dưới kính hiển vi và tình trạng thụ thể hormone (các tế bào ung thư có thụ thể gắn với hormone estrogen hoặc progesterone và tình trạng protein HER2) (liệu bệnh ung thư có bị ảnh hưởng bởi gen HER2 hay không).
Các giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn ung thư không xâm lấn. Tế bào ung thư chỉ ở trong ống dẫn và không lan rộng (Tis, N0, M0).
- Giai đoạn IA: Khối u nhỏ và xâm lấn nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết (T1, N0, M0).
- Giai đoạn IB: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết. Kích thước khối u lớn hơn 0,2 mm nhưng nhỏ hơn 2 mm. Không có dấu hiệu của khối u tại vú hoặc có nhưng khối u nhỏ hơn hoặc bằng 20 mm (T0 hoặc T1, N1, M0).
- Giai đoạn IIA: Một trong các trường hợp sau:
- Không có dấu hiệu của một khối u trong vú. Ung thư đã lan đến từ 1 đến 3 hạch bạch huyết dưới cánh tay, nhưng chưa di căn xa đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (T0, N1, M0).
- Khối u có kích thước từ 20 mm và đã lan đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay (T1, N1, M0).
- Khối u có kích thước từ 20 mm đến 50 mm nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận (T2, N0, M0).
- Giai đoạn IIB: Một trong các trường hợp sau:
- Khối u có kích thước từ 20 mm đến 50 mm và đã lan từ một đến ba hạch bạch huyết dưới cánh tay (T2, N1, M0).
- Khối u lớn hơn 50 mm nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay (T3, N0, M0).
- Giai đoạn IIIA: Một trong các trường hợp sau:
- Ung thư ở bất kỳ kích thước nào đã lan đến 4-9 hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc những hạch bạch huyết dưới thành ngực. Ung thư chưa di căn đến bộ phận khác của cơ thể (T0, T1, T2 hoặc T3, N2, M0).
- Một khối u lớn hơn 50 mm đã lan từ một đến ba hạch bạch huyết lân cận (T3, N1, M0).
- Giai đoạn IIIB: Khối u:
- Đã lan đến thành ngực
- Đã gây sưng tấy hoặc loét vú
- Đã được chẩn đoán là ung thư vú dạng viêm
- Có thể hoặc không lan đến chín hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc dưới thành ngực
- Chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể (T4; N0, N1 hoặc N2; M0)
- Giai đoạn IIIC: Một khối u bất kể kích thước nào đã lan đến 10 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận, các hạch bạch huyết ở vú và/hoặc các hạch bạch huyết thượng đòn. Tế bào ác tính chưa di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể (bất kỳ T, N3, M0 nào).
- Giai đoạn IV (di căn): Khối u bất kể kích thước nào đã di căn đến các cơ quan khác của cơ thể, như xương, phổi, não, gan, các hạch bạch huyết ở xa hoặc thành ngực (bất kỳ T, bất kỳ N, M1). Khoảng 5% đến 6% các trường hợp, ung thư di căn được phát hiện khi chẩn đoán lần đầu. Bác sĩ có thể gọi đây là ung thư vú di căn mới. Thường thì, ung thư vú di căn được phát hiện sau khi chẩn đoán ung thư vú giai đoạn đầu trước đó.
- Tái phát: Bệnh ung thư quay trở lại sau khi điều trị. Ung thư có thể tái phát tại chỗ, tái phát khu vực và / hoặc di căn xa. Nếu ung thư tái phát, bạn sẽ được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá về mức độ tái phát. Những xét nghiệm này sẽ tương tự với những gì bạn được thực hiện tại lần chẩn đoán ban đầu.
Điều trị ung thư biểu mô ống xâm lấn
Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán mắc IDC đều phải phẫu thuật để loại bỏ ung thư. Những lựa chọn điều trị thường là:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u (Lumpectomy): Bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ khối u và một phần mô xung quanh để giúp đảm bảo rằng tất cả các tế bào ung thư đã được loại bỏ. Phẫu thuật này còn được gọi là phẫu thuật bảo tồn vú
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (Mastectomy): Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú.
Bạn được chỉ định phẫu thuật nào tùy thuộc vào kích thước của khối u và mức độ lan rộng tại vú và các hạch bạch huyết lân cận.
Ngoài phẫu thuật, các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Xạ trị (Radiation): Xạ trị thường được chỉ định sau phẫu thuật.
- Liệu pháp hormone (Hormone therapy): Bạn sẽ được chỉ định điều trị bằng liệu pháp hormone nếu ung thư dương tính với thụ thể hormone (có nghĩa là estrogen làm cho tế bào ung thư phát triển). Những loại thuốc này ngăn chặn hoặc làm giảm lượng estrogen trong cơ thể bạn.
- Hóa trị (Chemotherapy): Những loại thuốc này tác động vào các tế bào ung thư trên khắp cơ thể bạn. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng hoá trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và sau đó để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
- Liệu pháp đích (Targeted therapy): Những loại thuốc này ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Bạn có thể điều trị liệu pháp đích cùng với hoá trị
Bạn có thể được chỉ định một phương pháp điều trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp.
Ung thư biểu mô ống tại chỗ là gì? (Ductal Carcinoma in Situ - DCIS)
Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS), còn được gọi là ung thư biểu mô nội ống, chiếm một trong năm chẩn đoán ung thư vú mới. Đó là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào trong ống dẫn sữa. Tế bào ác tính không xâm lấn, có nghĩa là nó không phát triển ra mô vú bên ngoài các ống dẫn. Cụm từ "tại chỗ" có nghĩa là "tại vị trí ban đầu"
DCIS là giai đoạn sớm nhất mà ung thư vú có thể được chẩn đoán. DCIS còn được gọi là ung thư vú giai đoạn 0. Đại đa số phụ nữ được chẩn đoán DCIS có thể được chữa khỏi.
Mặc dù DCIS không xâm lấn, nhưng có nguy cơ tiến triển thành ung thư xâm lấn. Điều quan trọng là phụ nữ mắc bệnh phải được điều trị. Nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ tiến triển thành ung thư xâm lấn là thấp nếu bạn đã được điều trị DCIS. Nếu không được điều trị, 30% đến 50% phụ nữ mắc DCIS sẽ tiến triển thành ung thư xâm lấn. Ung thư xâm lấn thường phát triển ở cùng một vú và cùng khu vực với nơi DCIS bắt đầu
Triệu chứng của ung thư biểu mô ống tại chỗ là gì?
DCIS thường không có triệu chứng. Hầu hết các trường hợp, DCIS được chẩn đoán bằng chụp Mammography.
Ung thư biểu mô ống tại chỗ được chẩn đoán như thế nào?
Khoảng 80% trường hợp DCIS được phát hiện nhờ chụp Mammography. Trên phim chụp Mammography, DCIS xuất hiện dưới dạng một vùng tối.
Nếu chụp Mammography cho thấy bạn có thể mắc DCIS, bác sĩ nên yêu cầu sinh thiết để phân tích các tế bào và đưa ra chẩn đoán. Sinh thiết cho DCIS thường được thực hiện bằng cách sử dụng kim sinh thiết để lấy các mẫu mô vú.
Chụp Mammography chẩn đoán ung thư biểu mô ống tại chỗ
Nếu bạn được chẩn đoán DCIS, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm hiểu thông tin về tình trạng ung thư của bạn. Những xét nghiệm này có thể bao gồm siêu âm hoặc MRI. Dựa trên kết quả của các xét nghiệm khác nhau, bác sĩ sẽ có thể cho biết kích thước khối u và mức độ ảnh hưởng của ung thư đối với vú của bạn.
Ung thư biểu mô ống tại chỗ được điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ điều chỉnh kế hoạch điều trị dựa trên kết quả xét nghiệm và tiền sử bệnh của bạn. Trong số những yếu tố này, bác sĩ sẽ cân nhắc:
- Vị trí khối u
- Kích thước khối u
- Mức độ ác tính của tế bào ung thư
- Tiền sử gia đình bị ung thư vú
- Kết quả xét nghiệm đột biến những gen làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Hầu hết phụ nữ bị DCIS không cắt bỏ vú bằng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (mastectomy). Thay vào đó, họ sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u (lumpectomy).
Phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u sau đó là xạ trị. Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ ung thư và một vùng nhỏ mô bình thường lân cận. Các hạch bạch huyết dưới cánh tay không cần phải loại bỏ như với các loại ung thư vú khác.
Sau khi cắt bỏ khối u, xạ trị sẽ cắt giảm khả năng ung thư tái phát. Nếu ung thư quay trở lại, điều này được gọi là ung thư tái phát.
Một số phụ nữ có thể chọn chỉ phẫu thuật cắt bỏ khối u mà không thực hiện xạ trị. Thảo luận về những rủi ro của việc không xạ trị với bác sĩ của bạn trước khi quyết định không thực hiện.
Bạn và các bác sĩ của bạn có thể quyết định rằng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (mastectomy) là phương pháp điều trị tốt nhất nếu bạn có bất kỳ điều nào sau đây:
- Tiền sử gia đình có nguy cơ cao về bệnh ung thư vú
- Đột biến gen khiến khả năng mắc ung thư vú cao hơn
- DCIS ảnh hưởng đến khu vực lớn trong vú
- Tổn thương DCIS xuất hiện tại nhiều vùng vú
- Không chịu được xạ trị
Bạn và bác sĩ điều trị cũng có thể cân nhắc việc sử dụng liệu pháp hormone nếu xét nghiệm ung thư dương tính với các thụ thể hormone. Liệu pháp hormone có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú khác.
Bài viết được tham khảo từ: https://www.webmd.com/breast-cancer/guide/ductal-carcinoma-invasive-in-situ