Tổng quan về ung thư cổ tử cung - dấu hiệu và cách điều trị

Ung thư cổ tử cung là 1 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, đứng thứ 2,chiếm khoảng 13% trong tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào thay đổi trong cổ tử cung của phụ nữ, nơi kết nối giữa phần dưới của tử cung và âm đạo. Loại ung thư này có thể ảnh hưởng đến các mô sâu hơn của cổ tử cung và có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể (di căn), thường là phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (Human Papillomavirus - HPV), loại vi-rút này có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.

Ung thư cổ tử cung phát triển chậm, vì vậy thường có thời gian để phát hiện và điều trị trước khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung được cải thiện thông qua các xét nghiệm Pap.

Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi có khả năng mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, hơn 20% trường hợp mới là phụ nữ trên 65 tuổi, đặc biệt là những người không được khám sàng lọc thường xuyên.

Những loại ung thư cổ tử cung khác nhau?

Có nhiều hơn một loại ung thư cổ tử cung.

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma). Loại ung thư này hình thành trong niêm mạc cổ tử cung. Ung thư biểu mô tế bào vảy được tìm thấy trong 90% trường hợp.
  • Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma). Loại ung thư này hình thành trong các tế bào sản xuất chất nhầy.
  • Ung thư biểu mô hỗn hợp (Mixed carcinoma). Loại ung thư này bao gồm các tính năng của hai loại ung thư khác.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường trong mô cổ tử cung. Hầu hết các trường hợp có liên quan đến nhiễm trùng HPV. Những loại HPV khác nhau có thể gây ra mụn cóc trên da, mụn cóc ở bộ phận sinh dục và các rối loạn về da khác. Những người khác có liên quan đến ung thư liên quan đến âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, lưỡi và amidan.

Những yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung là gì?

Bạn có thể có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung cao hơn nếu bạn có những yếu tố sau:

  • Bắt đầu quan hệ tình dục trước 18 tuổi hoặc trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu có kinh nguyệt
  • Có nhiều bạn tình
  • Uống thuốc tránh thai, đặc biệt là trong thời gian dài hơn 5 năm
  • Hút thuốc lá
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

Những triệu chứng của ung thư cổ tử cung là gì?

Ra máu bất thường ở vùng kín: Nguyên nhân và cách điều trị

Chảy máu âm đạo bất thường là một trong các triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung cho đến khi bệnh đã tiến triển. Những triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như sau khi quan hệ tình dục, giữa các giai đoạn trong thời kỳ kinh nguyệt, sau khi mãn kinh hoặc sau khi thăm khám vùng chậu
  • Tiết dịch âm đạo bất thường

Sau khi ung thư đã lan rộng, ung thư có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Đau vùng xương chậu
  • Tiểu khó
  • Sưng chân
  • Suy thận
  • Đau xương
  • Giảm cân và chán ăn
  • Mệt mỏi

Khi nào cần trao đổi với bác sĩ 

Chảy máu sau khi mãn kinh là dấu hiệu bất thường, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn mắc bệnh này.

Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn có tình trạng chảy máu kinh nguyệt rất nặng hoặc thường xuyên bị chảy máu giữa các thời kỳ.

Một số phụ nữ bị chảy máu sau khi giao hợp, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục mạnh. Điều này có lẽ không có gì phải lo lắng. Nhưng bạn có thể muốn thông báo cho bác sĩ biết, đặc biệt nếu triệu chứng chảy máu xảy ra nhiều hơn.

Hãy đến phòng cấp cứu nếu bạn bị chảy máu âm đạo kèm theo suy nhược hoặc nếu bạn cảm thấy muốn ngất hoặc choáng váng, hoặc bất tỉnh.

Ung thư cổ tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Tiến bộ quan trọng nhất trong sàng lọc ung thư cổ tử cung là sử dụng rộng rãi xét nghiệm Papanicolaou (Pap Smear - Phết tế bào cổ tử cung) và xét nghiệm HPV nguy cơ cao. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là một phần của thăm khám phụ khoa định kỳ của phụ nữ. Bác sĩ sẽ thu thập các tế bào từ bề mặt cổ tử cung của bạn và bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát chúng dưới kính hiển vi. Nếu phát hiện ra bất cứ điều gì bất thường, bác sĩ sẽ lấy ra mô cổ tử cung trong một thủ thuật gọi là sinh thiết.

Những xét nghiệm khác có thể tìm thấy những thay đổi trong cổ tử cung. Xét nghiệm này bao gồm:

Soi cổ tử cung giống như thăm khám phụ khoa. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này nếu kết quả phết tế bào Pap phát hiện các tế bào bất thường. Bác sĩ nhuộm cổ tử cung của bạn bằng thuốc nhuộm hoặc axit axetic để các tế bào dễ phát  hơn. Sau đó, bác sĩ sử dụng kính hiển vi gọi là máy soi cổ tử cung, sẽ phóng đại cổ tử cung từ 8 đến 15 lần, để tìm kiếm phát hiện các tế bào bất thường để sinh thiết. Bạn thường có thể được thực hiện quy trình này trong quá trình thăm khám phụ khoa. Bạn có thể sẽ cần sinh thiết lại sau nếu soi cổ tử cung cho thấy dấu hiệu ung thư xâm lấn.

Trong quá trình khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (Loop Electrosurgical Excision Procedure - LEEP), bác sĩ sử dụng một vòng dây điện để lấy mẫu mô từ cổ tử cung. Bạn có thể được thực hiện trong quá trình thăm khám phụ khoa. 

Bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung trong phòng phẫu thuật sau khi gây tê. Bác sĩ có thể sử dụng LEEP, dao mổ (dao lạnh) hoặc tia laser. Đây thường là các thủ thuật ngoại trú, vì vậy bạn có thể về nhà trong ngày.

Thủ thuật LEEP và dao lạnh giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn về các loại tế bào bất thường trong cổ tử cung và liệu các tế bào này có lan rộng hay không.

Thay đổi tiền ung thư

Những thay đổi bất thường trong các tế bào trên bề mặt cổ tử cung thường được gọi là tổn thương nội biểu mô vảy (SIL). "Tổn thương" có nghĩa là một vùng mô bất thường; “nội biểu mô” có nghĩa là những tế bào này chỉ ở lớp bề mặt.

Đây là những tế bào tiền ung thư. Chúng có thể không tiến triển trở thành ung thư hoặc xâm lấn các lớp mô sâu hơn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Ung thư xâm lấn

Nếu sinh thiết cho thấy ung thư đã lan xa hơn, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá xem liệu ung thư có lan rộng hay không và lan xa như thế nào. Xét nghiệm này bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực để kiểm tra phổi 
  • Xét nghiệm máu để xem liệu tế bào ác tính có lan đến gan hay không; có thể chụp CT scan để đánh giá thêm kết quả
  • Chụp bể thận tĩnh mạch (IVP) hoặc chụp CT scan để quan sát đường tiết niệu; nội soi bàng quang có thể kiểm tra bàng quang và niệu đạo 
  • Soi cổ tử cung để quan sát âm đạo của bạn
  • Thăm trực tràng để kiểm tra trực tràng của bạn
  • Chụp CT, MRI hoặc PET các hạch bạch huyết 

Bác sĩ sử dụng các xét nghiệm này để "phân giai đoạn" ung thư tùy theo mức độ lớn của tổn thương, độ sâu và mức độ lan rộng của bệnh. Ung thư cổ tử cung bắt đầu từ giai đoạn 0 (ít nghiêm trọng nhất) đến giai đoạn IV (bệnh di căn, nghiêm trọng nhất).

Những tổn thương tiền ung thư được điều trị như thế nào?

Nếu bạn có một tổn thương cấp độ thấp, bạn có thể không cần điều trị, đặc biệt nếu bác sĩ đã lấy ra tổn thương đó trong quá trình sinh thiết. Kiểm tra thường xuyên định kỳ để theo dõi các biến đổi bất thường trong tương lai.

Bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật khoét chóp LEEP, khoét chóp bằng dao lạnh, phẫu thật lạnh (cryosurgery), đốt điện (đốt, còn gọi là điện nhiệt) hoặc phẫu thuật laser để tiêu diệt tổn thương tiền ung thư mà ít gây tổn thương cho các mô khỏe mạnh lân cận.

Trong liệu pháp áp lạnh (cryocautery), một dụng cụ bằng thép được làm lạnh đến nhiệt độ dưới 0 độ sẽ làm đông lại các tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Tế bào hoại tử và rụng đi để được thay thế bằng các tế bào mới.

Cắt bỏ bằng laser sử dụng chùm tia laser để phá hủy các tế bào ở các vùng hoặc lớp mô cổ tử cung, giữ lại các tế bào khỏe mạnh lân cận.

Bạn sẽ cần thăm khám theo dõi và thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) sau khi đốt lạnh hoặc cắt bỏ bằng laser để đảm bảo rằng tất cả các tế bào tiền ung thư đã biến mất.

Bạn cũng có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung (hysterectomy), trong đó bác sĩ sẽ cắt bỏ tử cung. Phương pháp này sẽ giúp bạn không bị ung thư cổ tử cung. Nhưng vì đã cắt đi cơ quan sinh sản nên bạn không thể mang thai sau đó.

Ung thư cổ tử cung được điều trị như thế nào?

phau-thuat-dieu-tri-ung-thu-co-tu-cung

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với ung thư cổ tử cung xâm lấn. Những phương pháp khác là hóa trị và liệu pháp sinh học.

Nếu ung thư chỉ ở trên bề mặt cổ tử cung, bác sĩ có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng các thủ thuật như khoét chóp LEEP hoặc khoét chóp bằng dao lạnh.

Nếu các tế bào ung thư đã xâm lấn qua một lớp gọi là màng đáy, nơi ngăn cách bề mặt cổ tử cung với các lớp bên dưới, bạn có thể cần phải phẫu thuật. Nếu tế bào ác tính đã xâm lấn các lớp sâu hơn của cổ tử cung nhưng chưa lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, bạn có thể phải phẫu thuật để loại bỏ khối u.

Nếu tế bào ác tính lan vào tử cung, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tử cung (hysterectomy) . Trao đổi với bác sỹ về những ưu điểm và nhược điểm khi thực hiện.

Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào này. Giống như phẫu thuật, xạ trị chỉ ảnh hưởng đến các tế bào ung thư ở khu vực được điều trị.

Phương pháp xạ trị có thể là xạ trị bên ngoài, xạ trị bên trong hoặc kết hợp xạ trị.

Xạ trị bên ngoài đến từ một cỗ máy lớn bắn chùm tia bức xạ vào vùng tiểu khung. Bạn có thể sẽ được điều trị, chỉ mất vài phút, 5 ngày một tuần trong 5 đến 6 tuần. Đến cuối quá trình xạ trị, bạn có thể có thêm một liều phóng xạ gọi là "liều tăng cường".

Xạ trị bên trong (còn gọi là xạ trị cấy ghép hoặc xạ trị áp sát) đến từ một viên nang chứa chất phóng xạ mà bác sĩ đưa vào cổ tử cung. Hạt cấy ghép đưa các tia tiêu diệt ung thư đến gần khối u trong khi hầu hết các mô khỏe mạnh lân cận.

Hóa trị sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sĩ thường sử dụng hóa trị cho bệnh ung thư cổ tử cung tiến triển cục bộ hoặc đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Hóa trị được chỉ định trong các chu kỳ điều trị tích cực và bổ trợ giai đoạn phục hồi. 

Liệu pháp sinh học (Biological therapy) hoặc liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) nhắm vào các “điểm kiểm soát” trong các tế bào miễn dịch được bật hoặc tắt để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Pembrolizumab (Keytruda) hoặc tisotumab vedotin-tftv (Tivdak) có thể được sử dụng để giúp ngăn chặn một loại protein trên tế bào nhằm thu nhỏ khối u hoặc làm chậm sự phát triển của khối u.

Các bác sĩ sử dụng liệu pháp này nếu hóa trị không hiệu quả hoặc nếu ung thư đã lan rộng. Bạn sẽ được truyền thuốc qua tĩnh mạch (được gọi là tiêm tĩnh mạch hoặc IV) sau mỗi 3 tuần.

Lời khuyên chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại nhà

benh-nhan-ung-thu-co-tu-cung-nen-tap-the-duc-nhe-nhang

Đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giảm mệt mỏi

Một số yếu tố có thể giảm bớt căng thẳng về thể chất và tinh thần của bệnh ung thư cổ tử cung và quá trình điều trị.

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là có được chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bạn có thể chán ăn hoặc khó ăn trong khi điều trị. Nhưng nếu bạn nạp đủ calo và protein, bạn sẽ có nhiều sức mạnh và năng lượng hơn, đồng thời bạn sẽ có thể đảm bảo việc điều trị tốt hơn. Bạn có thể trao đổi với một chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo lượng calo và protein đưa vào cơ thể. Chuyên gia có thể đề nghị bạn ăn những khẩu phần nhỏ hơn thường xuyên hơn.

Những thay đổi lối sống khác có thể giúp bạn khỏe hơn và thoải mái hơn trong quá trình điều trị:

  • Hoạt động thể chất nhẹ nhàng để duy trì mức năng lượng. Hãy đảm bảo rằng những hoạt động này sẽ không làm bạn mệt mỏi.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm 
  • Từ bỏ hút thuốc.
  • Đừng uống rượu. Bạn có thể không được uống được rượu trong khi dùng một số loại thuốc.

Theo dõi sau điều trị ung thư cổ tử cung

Khám vùng tiểu khung thường xuyên và xét nghiệm tế bào cổ tử cung rất quan trọng đối với mọi phụ nữ, đặc biệt là những người đã có tế bào tiền ung thư hoặc mắc ung thư cổ tử cung. Sau điều trị, bạn cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

Không có lịch trình khuyến nghị chung, nhưng bạn nên thăm khám sức khoẻ 3 đến 4 tháng một lần trong 2 năm. Sau đó 6 tháng một lần trong những năm tiếp theo, và sau đó khoảng mỗi năm một lần. Tần suất bạn có các lịch hẹn tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và khoảng thời gian kể từ khi bạn kết thúc điều trị. Bạn vẫn nên làm xét nghiệm Pap hàng năm.

Ngay cả khi bạn đã điều trị như cắt bỏ tử cung để loại bỏ cổ tử cung, bạn vẫn có thể có các tế bào cổ tử cung. Và điều trị ung thư cổ tử cung có thể có tác dụng phụ trong nhiều năm sau đó. Bởi vì bạn có tiền sử ung thư cổ tử cung, bạn có thể sẽ cần tiếp tục khám sàng lọc trong nhiều năm sau khi điều trị. Hãy đảm bảo trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa được không?

tiem-vacxin-HPV-ngan-nguy-co-mac-ung-thu-co-tu-cung

Tiêm vắc-xin HPV để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Chìa khóa để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung xâm lấn là phát hiện sớm những thay đổi của tế bào, trước khi chúng trở thành ung thư. Thăm khám vùng tiểu khung thường xuyên và xét nghiệm Pap là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Chuyên gia đề xuất lộ trình thăm khám bao gồm:

  • Nếu bạn từ 25 đến 65 tuổi, bạn nên làm xét nghiệm vi-rút u nhú ở người (Human Papillomavirus - HPV) 5 năm một lần. Ngoài độ tuổi đó, bạn có thể ngừng thực hiện xét nghiệm nếu bác sĩ cho biết bạn có nguy cơ mắc bệnh thấp.
  • Nếu không nhiễm HPV, bạn có thể thực hiện xét nghiệm kết hợp HPV và Pap mỗi 5 năm hoặc xét nghiệm Pap đơn lẻ 3 năm một lần.
  • Phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng không cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nếu họ đã cắt bỏ cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tổn thương tiền ung thư.
  • Nếu bạn đang hoạt động tình dục và có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) cao hơn, hãy xét nghiệm chlamydia, lậu và giang mai hàng năm. Hãy làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ cao.

Phòng ngừa HPV cũng rất quan trọng. Các bước để ngăn ngừa nhiễm HPV bao gồm:

  • Sử dụng biện pháp an toàn, chẳng hạn như bao cao su, nếu bạn quan hệ tình dục.
  • Tiêm vắc-xin HPV. FDA đã phê duyệt Gardasil-9 cho nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi. Vắc xin bảo vệ chống lại nhiều chủng vi-rút HPV gây ra phần lớn mụn cóc ở bộ phận sinh dục, cũng như ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác do HPV gây ra.
  • Bởi vì hút thuốc lá cũng làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung, bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ của bạn.

Tiên lượng của ung thư cổ tử cung là gì?

Tỷ lệ sống sót là gần 100% khi bạn phát hiện và điều trị những thay đổi tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn đầu. Tiên lượng cho ung thư cổ tử cung xâm lấn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.

  • Hơn 90% phụ nữ ở giai đoạn 0 sống thêm ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán.
  • Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I có tỷ lệ sống thêm sau 5 năm từ 80% đến 93%.
  • Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn II có tỷ lệ sống thêm sau 5 năm từ 58% đến 63%.
  • Tỷ lệ sống thêm của phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn III là 32% đến 35%.
  • 16% hoặc ít hơn phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IV sống thêm sau 5 năm.

Bác sĩ thường sử dụng thuật ngữ "thuyên giảm" hơn là "chữa khỏi". Nhiều phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng bệnh ung thư vẫn có thể quay trở lại.

Bạn nên biết điều gì khác về ung thư cổ tử cung?

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung, chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi. Có thể bạn vừa mới phát hiện ra bản thân mắc bệnh hoặc có thể bạn đã trải qua các phương pháp điều trị và bạn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Biết câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân và đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Ung thư cổ tử cung có tái phát hay không?

Trong nhiều trường hợp, việc điều trị có hiệu quả và ung thư có thể sẽ không bao giờ tái phát. Nhưng đôi khi, bệnh quay trở lại - ngay cả khi bác sĩ không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh trong một thời gian dài. Điều này được gọi là tái phát.

Bác sĩ sẽ không thể biết khả năng ung thư tái phát là như thế nào. Nhưng nếu ung thư phát triển nhanh, hoặc ung thư tiến triển hoặc lan rộng, thì khả năng tái phát là rất cao. Và bệnh có thể khó điều trị hơn.

Nếu ung thư không biến mất sau lần điều trị đầu tiên, bạn có thể phải điều trị thường xuyên như hóa trị và xạ trị để kiểm soát ung thư. Bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn.

Liệu bạn có khả năng mắc các bệnh ung thư khác không?

Ngay cả khi bạn đã được điều trị ung thư cổ tử cung, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn không thể mắc các loại ung thư khác. Trong một số trường hợp, cơ hội phát triển ung thư thứ hai của bạn có thể tăng lên. Sau ung thư cổ tử cung, bạn có nhiều khả năng bị:

  • Ung thư phổi
  • Ung thư miệng, cổ họng hoặc thanh quản
  • Ung thư dạ dày, tuyến tụy, bàng quang hoặc niệu quản
  • Ung thư âm hộ, âm đạo, đại trực tràng hoặc hậu môn

Nếu bạn được điều trị bằng xạ trị, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày, âm đạo, âm hộ, trực tràng và bàng quang tiết niệu của bạn sẽ cao hơn. Và bạn có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư khác như bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính và ung thư xương.

Tiếp tục kiểm tra định kỳ với bác sĩ, ngay cả khi bạn đã hoàn thành điều trị, theo dõi định kỳ có thể giúp bạn nhận biết các triệu chứng sớm của di căn ung thư. Đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, hạn chế rượu và tránh các sản phẩm thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Liệu bạn có thể mang thai sau khi mắc ung thư cổ tử cung hay không?

kha-nang-mang-thai-sau-khi-mac-ung-thu-co-tu-cung

Khả năng mang thai của bạn sau khi bị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư của bạn và loại phương pháp điều trị bạn đã được thực hiện.

Nếu bạn bị ung thư ở giai đoạn đầu, bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị ít tấn công hơn để vẫn có thể có con. Có thể bạn sẽ phải đợi từ 6 đến 12 tháng trước khi có thể cố gắng mang thai để dành thời gian phục hồi sau điều trị.

Nhưng bạn vẫn có thể gặp khó khăn khi sinh con vì các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Nếu bạn có thai, bác sĩ sẽ cần theo dõi bạn chặt chẽ vì bạn có nhiều khả năng bị sẩy thai hoặc sinh non.

Nếu bạn đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung triệt để hoặc điều trị bằng xạ trị, bạn sẽ không thể mang thai. Nhưng các công nghệ như bảo quản trứng hoặc bảo quản phôi trước khi điều trị có nghĩa là bạn vẫn có thể có con với sự trợ giúp của người mang thai hộ. Trao đổi với bác sĩ về tất cả các lựa chọn và mối quan tâm của bạn.

Bạn có nguy cơ di truyền bệnh ung thư cổ tử cung cho con gái không?

Có thể gia tăng nguy cơ truyền ung thư cổ tử cung cho con gái nếu bạn mắc ung thư cổ tử cung, nhưng điều đó cũng không hoàn toàn là như vậy. Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra, không phải do đột biến gen.

Tuy nhiên, các bác sĩ nghĩ rằng ung thư cổ tử cung có thể di truyền trong một số gia đình. Vì vậy, nếu bạn mắc bệnh này, con gái bạn có khả năng mắc bệnh cao gấp hai đến ba lần so với những trường hợp mà người mẹ không mắc bệnh. Điều này có thể là do phụ nữ trong cùng một gia đình có nhiều khả năng mắc bệnh khiến họ khó chống lại vi-rút HPV hơn.

Liệu ung thư cổ tử cung sẽ làm thay đổi ham muốn tình dục?

Rất nhiều bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, nhưng khi bạn đang điều trị ung thư cổ tử cung, bạn gần như chắc chắn sẽ nhận thấy những thay đổi. Hóa trị và xạ trị có thể gây mất ham muốn tình dục, đau và khô âm đạo. Và phương pháp điều trị này có thể thúc đẩy thời kỳ mãn kinh sớm, khiến thành âm đạo mỏng hơn và ít co giãn hơn.

Phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ cũng có thể gây khô âm đạo và thiếu ham muốn tình dục.

Bạn có thể sử dụng chất bôi trơn hoặc kem dưỡng ẩm âm đạo để giúp giảm khô và các triệu chứng khác. Bác sĩ cũng có thể trao đổi với bạn về liệu pháp hormone, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của bạn và các yếu tố khác. Trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ bạn gặp phải sau khi điều trị. 

Bài viết được tham khảo từ nguồn: https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-cancer