Ưu điểm và tác dụng phụ của xạ trị

Mục đích của xạ trị là tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời bảo tồn đối với các tế bào bình thường. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư ở hầu hết các bộ phận của cơ thể.

Ưu điểm của xạ trị

Xạ trị ung thư có thể được chỉ định thay thế phẫu thuật hoặc điều trị kết hợp sau phẫu thuật để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại. Xạ trị cũng có thể được chỉ định trước, trong hoặc sau khi hóa trị (thuốc chống ung thư). Thể trạng và tình trạng ung thư của mỗi người bệnh mỗi khác, nên nhìn chung xạ trị được lựa chọn cho các mục đích sau:

  • Để chữa khỏi hoặc thu nhỏ ung thư giai đoạn sớm

Một số loại ung thư rất nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị có thể được sử dụng trong những trường hợp này để làm cho ung thư thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn. Trong một số trường hợp, hoá chất hoặc các thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng trước khi xạ trị. Đối với các loại ung thư khác, xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u (đây được gọi là liệu pháp tiền phẫu hoặc liệu pháp tân bổ trợ), hoặc sử dụng sau phẫu thuật để giúp ung thư không tái phát (gọi là liệu pháp bổ trợ).

Đối với một số loại ung thư có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật, xạ trị thường được lựa chọn nhiều hơn. Điều này là do so với phẫu thuật, xạ trị thường gây ra ít tổn thương hơn và phần cơ thể được điều trị có nhiều khả năng duy trì chức năng sau điều trị hơn.

Đối với một số loại ung thư, xạ trị và hoá trị hoặc các loại thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng kết hợp. Một số loại thuốc (được gọi là hoá chất tăng nhạy xạ) giúp tăng hiệu quả xạ trị bằng cách làm cho các tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tia bức xạ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các loại thuốc chống ung thư và tia xạ được kết hợp với nhau đối với một số loại ung thư, chúng có thể làm tăng hiệu quả điều trị so với khi chúng được sử dụng riêng rẽ. Tuy nhiên, một nhược điểm của sử dụng đồng thời như vậy là tác dụng phụ thường nặng hơn.

xa-tri-ung-thu
  • Để ngăn chặn ung thư quay trở lại (tái phát) ở một vị trí khác trong cơ thể

Ung thư có thể lan từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Các bác sĩ thường mặc định rằng một vài tế bào ung thư có thể đã lan toả ngay cả khi chúng không thể nhìn thấy khi sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT hoặc MRI. Trong một số trường hợp, khu vực cơ thể nhiều khả năng bị ung thư lan tới nhất có thể được điều trị bằng tia xạ để tiêu diệt bất kỳ tê bào ung thư nào trước khi chúng hình thành khối u. Ví dụ, những người mắc một số loại ung thư phổi có thể phải chiếu xạ vào não, ngay cả khi chưa phát hiện ung thư ở đó, vì loại ung thư phổi này thường lan đến não. Điều này giúp ngăn chặn việc ung thư phát triển ở não. Đôi khi, xạ trị ngăn ngừa ung thư phát triển ở vị trí khác có thể được sử dụng cùng lúc với xạ trị điều trị ung thư ở vị trí hiện tại, đặc biệt là khi vị trí ung thư có thể lan đế ở gần với vị trí hiện tại của khối u.

  • Để điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển

Khi ung thư đã lan tràn quá rộng sẽ rất khó để điều trị. Nhưng một số khối u ở giai đoạn này vẫn có thể được điều trị làm cho chúng nhỏ đi để người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Xạ trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đau, khó nuốt, khó thở hoặc tắc ruột do ung thư tiến triển. Điều này được gọi là xạ trị giảm nhẹ hay xạ trị triệu chứng.

  • Để điều trị ung thư tái phát

Trên người bệnh bị ung thư tái phát, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển. Việc xạ trị có được sử dụng khi ung thư tái phát hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nếu ung thư tái phát ở phần dưới cơ thể đã được xạ trị trước đó, thì việc cung cấp thêm liều xạ ở cùng một nơi có thể là không khả thi. Điều này phụ thuộc vào liều xạ đã được sử dụng trước đó. Trong các trường hợp khác, xạ trị có thể được sử dụng trong cùng một khu vực của cơ thể hoặc ở khu vực khác. Một số khối u không đáp ứng tốt với tia xạ, vì vậy liệu pháp xạ trị có thể không được sử dụng ngay cả khi bệnh tái phát.

Trung tâm Y khoa NeoMedic  - Chuyên sâu về y khoa, chuyên gia, bác sĩ đầu ngành Ung bướu.

Tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị có thể làm hỏng hoặc phá hủy các tế bào bình thường và gây ra tác dụng phụ điều trị. Các tác dụng phụ của xạ trị nói chung có thể được chia thành hai loại:

Tác dụng phụ sớm hoặc cấp tính phát triển trong hoặc ngay sau khi điều trị. Đây thường là tạm thời. Các tác dụng phụ cấp tính:

  • Mệt mỏi, chán ăn, nôn, buồn nôn (khi hoá xạ trị đồng thời)
  • Viêm da vùng xạ trị
  • Viêm phổi do tia xạ (xạ trị vùng ngực)
  • Giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu (khi hoá xạ đồng thời)
  • Rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, họng, viêm thực quản gây đau, nuốt vướng, nuốt khó (xạ trị vùng đầu - cổ - ngực)
  • Đau bụng, đi lỏng, viêm bàng quang (xạ trị vùng bụng – chậu)
  • Tác dụng phụ muộn (sau khi kết thúc xạ trị vài tháng đến vài năm)
  • Teo da, hoại tử da vùng xạ trị
  • Khô miệng, khít hàm (xạ trị vùng đầu cổ)
  • Xơ phổi (xạ trị vùng ngực)
  • Viêm, dính ruột (xạ trị vùng bụng – chậu)
  • Ức chế tuỷ xương, ung thư thứ phát…(hiếm gặp)
xa-tri-ung-thu

Viêm phổi do tia xạ (xạ trị vùng ngực)

Tác dụng phụ muộn là những tác dụng có thể phát triển trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi kết thúc xạ trị. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u.

Đọc ngay: Những điều cần biết về xạ trị ung thư vú

Bệnh nhân xạ trị có thể được chia làm hai nhóm

  • Nhóm 1: Bệnh nhân điều trị tia xạ ngoài. Những bệnh nhân nhóm này không phải là nguồn bức xạ nên không cần cách ly với những người xung quanh.
  • Nhóm 2: Bệnh nhân điều trị xạ trị áp sát hoặc sử dụng thuốc phóng xạ qua đường uống, tiêm. Những bệnh nhân nhóm này là nguồn phóng xạ, cần phải cách ly với những người xung quanh. Thông thường những bệnh nhân này phải cách ly một thời gian tại bệnh viện và chỉ được xuất viện khi đã được đánh giá là an toàn cho những người tiếp xúc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần cách ly với bệnh nhân trong thời gian lâu hơn. 

Các loại ung thư điều trị bằng xạ trị

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư
  • Xạ trị áp sát thường được áp dụng đối với ung thư vùng đầu cổ, ung thư vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, một số ung thư da
  • Liệu pháp xạ trị toàn thân như i ốt phóng xạ phổ biến trong chữa trị một số loại ung thư tuyến giáp.
  • Xạ trị phân tử hay toàn thân, được gọi là liệu pháp hạt nhân phóng xạ nhắm mục tiêu, được tiến hành với bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc khối u thần kinh nội tiết tiêu hoá. 

Hỏi đáp chuyên gia: Khả năng mang thai sau hóa và xạ trị ung thư trực tràng