Siêu âm tuyến vú có phát hiện ung thư không? Chuyên gia giải đáp

Siêu âm tuyến vú có phát hiện ung thư không? Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong tầm soát ung thư vú.

Siêu âm tuyến vú là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến được sử dụng để đánh giá tình trạng sức khỏe của vú. Vậy siêu âm tuyến vú có phát hiện ung thư không?

Bệnh ung thư vú - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có hơn 2 triệu ca mắc ung thư vú mới mỗi năm trên toàn thế giới, tạo mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Ung thư vú giai đoạn 1 thường có tỷ lệ sống cao (trên 5 năm) đạt 80-90%. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, ung thư vú thường không có biểu hiện rõ ràng, gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh, dẫn đến việc bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị.

Bởi vậy, tầm soát ung thư vú định kỳ có vai trò vô cùng quan trọng để có thể phát hiện sớm những tổn thương tại vú, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Ngoài ra, nâng cao ý thức về các yếu tố nguy cơ và khuyến khích phụ nữ thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư vú.

Siêu âm tuyến vú có phát hiện ung thư không?

Hiện nay, siêu âm tuyến vú là phương pháp được áp dụng phổ biến để chẩn đoán ung thư vú. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá cấu trúc, hình thái bên trong của tuyến vú và phát hiện những bất thường như khối u, nang, giãn ống tuyến vú hoặc ổ áp xe. Bên cạnh đó, siêu âm còn hỗ trợ thực hiện các thủ thuật xâm lấn như chọc hút nang tuyến vú, chọc hút tế bào tuyến vú và sinh thiết kim u vú, góp phần giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú, trong đó có ung thư vú.

Trên thực tế, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng siêu âm tuyến vú có thể phát hiện chính xác khoảng trên 80% các trường hợp ung thư vú. Tuy nhiên, siêu âm tuyến vú không phải là phương pháp đầu tiên được khuyến cáo trong việc tầm soát ung thư vú. Mặc dù siêu âm có khả năng phát hiện các khối u và tổn thương, nhưng phương pháp này không thể xác định chắc chắn liệu một khối u rắn có phải là ung thư hay không. Siêu âm chỉ có thể phân loại khối u là rắn hoặc chứa dịch. Bên cạnh đó, siêu âm có thể không phát hiện được các khối u nhỏ và phân biệt các vi vôi hóa ác tính (biểu hiện sớm của ung thư).

Siêu âm tuyến vú đặc biệt hữu ích trong trường hợp bệnh nhân có mô vú dày, giúp phát hiện các bất thường hay hình ảnh khối u bị che khuất trên chụp Xquang tuyến vú (Mammography). Tuy nhiên, khi phát hiện khối u nghi ngờ, bác sĩ thường sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung như chụp Xquang tuyến vú (Mammography), sinh thiết kim u vú để nâng cao khả năng phát hiện bệnh.

Tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư vú vẫn kết quả giải phẫu bệnh. Kết quả siêu âm có vai trò quan trọng trong việc phân loại tổn thương theo hệ thống BI-RADS, giúp bác sĩ đánh giá khả năng khối u lành tính hoặc nghi ngờ ác tính. Trong các trường hợp có nguy cơ ung thư vú cao, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút tế bào tuyến vú hoặc sinh thiết kim u vú. Lúc này, siêu âm trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích, giúp quá trình thực hiện chọc hút và sinh thiết diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn.
sieu-am-tuyen-vu-co-phat-hien-ung-thu-khong-2

Ưu - nhược điểm của siêu âm tuyến vú trong tầm soát ung thư vú

Siêu âm tuyến vú là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong tầm soát ung thư vú nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là độ chính xác cao. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều nhược điểm đáng kể.

Ưu điểm của siêu âm tuyến vú

  • Độ chính xác cao: Siêu âm tuyến vú có thể quan sát chi tiết toàn bộ cấu trúc vú, tăng khả năng phát hiện các tổn thương nhỏ chỉ từ 5mm nhờ vào công nghệ hiện đại cho hình ảnh sắc nét. Theo Quỹ Ung thư Vú Quốc gia (Úc) và Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ), kết quả siêu âm tuyến vú có thể phát hiện chính xác trên 80% các trường hợp ung thư vú.
  • Phương pháp không xâm lấn: Siêu âm không xâm lấn, không gây đau đớn, không sử dụng tia bức xạ nên rất an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
  • Quy trình thực hiện đơn giản: Bác sĩ có thể thực hiện siêu âm dễ dàng và nhanh chóng, không cần chuẩn bị phức tạp.
  • Cung cấp kết quả nhanh chóng: Kết quả siêu âm được đánh giá ngay lập tức, giúp bác sĩ kịp thời đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị.
  • Hữu ích trên người có mô vú dày: Siêu âm có thể tăng khả năng phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm ở người có mô vú dày (đặc điểm gặp ở hơn 50% phụ nữ Châu Á)
  • Hiệu quả trong việc phát hiện ung thư thùy xâm lấn: Ung thư thùy xâm lấn khó phát hiện hơn trên chụp Xquang tuyến vú (Mammography). Ngược lại siêu âm có thể hỗ trợ chẩn đoán dạng ung thư này rất tốt.
  • Chi phí thấp: So với các phương pháp chẩn đoán khác, siêu âm có mức chi phí hợp lý cho người dân Việt Nam.
    Hỗ trợ hiệu quả trong chẩn đoán ung thư vú: Siêu âm hỗ trợ thực hiện các thủ thuật xâm lấn như chọc hút, sinh thiết giúp tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác.

Nhược điểm của siêu âm tuyến vú

  • Phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ: Hiệu quả siêu âm phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ thực hiện và đọc kết quả.
  • Hạn chế ở phụ nữ béo phì: Siêu âm có thể khó khăn hơn trong việc chẩn đoán ở phụ nữ có mô mỡ nhiều do mô mỡ xâm nhập trong tuyến vú dễ gây nhầm lẫn với u vú.
  • Hạn chế trên phụ nữ mãn kinh: Ở phụ nữ sau mãn kinh, mô tuyến vú teo lại và thay thế bằng mô mỡ, gây khó khăn trong việc phát hiện khối u.
  • Không thay thế sàng lọc chụp Xquang tuyến vú (Mammography): Siêu âm thường được áp dụng kết hợp với chụp Xquang tuyến vú (Mammography) để tăng khả năng phát hiện nhiều dạng ung thư vú.
sieu-am-tuyen-vu-co-phat-hien-ung-thu-khong-3

Khi nào cần siêu âm tuyến vú?

Siêu âm tuyến vú được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Những đối tượng cần được xem xét siêu âm bao gồm:

  • Người có tiền sử gia đình: Nếu có cha mẹ hoặc chị em gái đã từng mắc ung thư vú, đặc biệt nếu họ có đột biến gen BRCA1/2.
  • Người đã từng bị bệnh vú: Những phụ nữ đã có tiền sử mắc bệnh lý vú cần được theo dõi thường xuyên.
  • Những triệu chứng bất thường: Siêu âm nên được thực hiện khi có các dấu hiệu như đau vú không do kỳ kinh nguyệt, sờ thấy khối u, tiết dịch bất thường từ núm vú, thay đổi màu sắc hoặc hình dáng ngực, và hạch dưới cánh tay.

Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ cao về ung thư vú cần kết hợp siêu âm với các phương pháp chẩn đoán khác như chụp Xquang tuyến vú (Mammography) hoặc MRI, đặc biệt trong các trường hợp sau:

  • Có kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh muộn.
  • Sinh con lần đầu sau tuổi 30 hoặc không sinh con.
  • Béo phì sau mãn kinh.
  • Tiền sử ung thư vú một bên hoặc tiền căn gia đình liên quan đến ung thư vú, buồng trứng hay nội mạc tử cung.

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cũng nên thực hiện tự khám vú tại nhà và tầm soát ung thư vú hàng năm. Việc kết hợp các phương pháp chẩn đoán như khám lâm sàng, siêu âm, và chụp X-quang tuyến vú giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

sieu-am-tuyen-vu-co-phat-hien-ung-thu-khong-4

Siêu âm tuyến vú là phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng trong tầm soát ung thư vú. Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết “Siêu âm tuyến vú có phát hiện ung thư không?” sẽ giúp ích cho chị em và người thân trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh lý ung thư nguy hiểm.