TÌM HIỂU UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT

Bài được viết bởi: PGS. TS. BS Tạ Văn Tờ - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh và Sinh học phân tử Bệnh viện K, Trưởng Bộ môn Giải phẫu bệnh Trường ĐHY Hà Nội

1. Đại cương

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những ung thư phổ biến ở nam giới, đặc biệt ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, bệnh có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm. Giai đoạn đầu, người bệnh không thấy triệu chứng gì, thường tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ. Khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện sớm là hết sức quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

2. Yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân bệnh sinh chưa rõ nhưng có những yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt sau:

- Tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt càng tăng. Nam giới < 40 tuổi, rất ít được chẩn đoán là ung thư. Từ 50 tuổi trở lên, nguy cơ ung thư tăng.

- Tiền sử gia đình: Khoảng 5-10% các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt có ít nhất 1 người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới có anh, em, cha mắc bệnh này nguy cơ bị ung thư cao hơn nhóm chứng 3-7 lần.

- Đột biến gen: Đột biến gen BRCA liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới có đột biến gen BRCA2, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 5-7 lần so với người không có đột biến.

3. Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt thường âm thầm, lặng lẽ kéo dài 5-10 năm. Người bệnh thường được chẩn đoán tình cờ hoặc qua thăm trực tràng hoặc xét nghiệm máu thấy nồng độ PSA cao > 10 ng/ml.

Giai đoạn muộn thường có các biểu hiện:

- Rối loạn tiểu tiện: đi tiểu khó, đi tiểu không thành tia

- Đi tiểu ra máu, xuất tinh ra máu

- Đau xương, liệt chi, đại tiện không tự chủ do khối u di căn hoặc chèn ép thần kinh.

- Toàn thân: mệt mỏi, gày sút, kém ăn, thiếu máu, nổi hạch ngoại vi.

- Khám thực thể: Thăm trực tràng sờ thấy khối u tuyến tiền liệt to, cứng, không đều, không đau, mất đối xứng, di động hạn chế.

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để xác định nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (Prostatic specific antigen – PSA). Nồng độ PAS bình thường <4 ng/ml huyết tương và tăng theo tuổi. Ở lứa tuổi 70-80, nồng độ PSA có thể lên đến 6,5 ng/ml huyết tương. Thông thường người bệnh ung thư tuyến tiền liệt có PSA tăng tuy nhiên khoảng 20% các trường hợp, nồng độ PSA dưới ngưỡng bình thường.

- Siêu âm ổ bụng: Siêu âm ổ bụng sẽ biết được kích thước, khối lượng, mật độ giảm âm, nhân bất thường, tình trạng bàng quang, niệu quản, hạch chậu, chủ bụng.

- Siêu âm nội soi qua đường trực tràng: Phát hiện các tổn thương khú trú giảm âm 1 thùy hay 2 thùy, xâm lấn vỏ, xâm lấn các tạng xung quanh

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT): Chụp MRI hoặc CT cho phép xác định được kích thước, trọng lượng tuyến tiền liệt, mức độ xâm lấn, tình trạng hạch, các tổn thương cơ quan lân cận trong ổ bụng.

- Nội soi bàng quang để đánh giá tổn thương ở bàng quang.

- Chụp xạ hình xương cho phép phát hiện di căn xương.

- Sinh thiết kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm: Sinh thiết kim là phương pháp lấy mẫu mô tuyến tiền liệt để chẩn đoán giải phẫu bệnh. Đây là phương pháp giúp chẩn đoán xác định chắc chắn là ung thư tuyến tiền liệt, là cơ sở cho điều trị. Qua mẫu bệnh phẩm, các nhà giải phẫu bệnh còn đọc mức độ ác tính cũng như mức độ xâm lấn của tế bào u.

4. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Điều trị UT TTL dựa trên các yếu tố như tuổi, toàn trạng, giai đoạn bệnh, các yếu tố nguy cơ (Nồng độ PSA và điểm Gleason). Giai đoạn sớm, ưu tiên cho phẫu thuật và xạ trị triệt căn. Giai đoạn muộn hơn, điều trị nội tiết là chính. Điều trị nội tiết có thể là cắt tinh hoàn hoặc sử dụng các thuốc kháng androgen (nội tiết nam giới). Hóa trị chỉ áp dụng khi điều trị nội tiết thất bại. Hiện nay điều trị miễn dịch cũng được ứng dụng đối với các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn.  

5. Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Xét nghiệm PSA và siêu âm là phương pháp hữu hiệu nhất trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Đàn ông trên 50 tuổi đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ như tiền sử gia đình có ung thư tuyến tiền liệt, đột biến gen BRCA nên được thực hiện 2 xét nghiệm này hàng năm. Siêu âm và định lượng PSA/máu là 2 xét nghiệm rẻ tiền nhưng lại đem lại hiệu quả cao trong phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt.