07/04/2023

Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư

Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển của bệnh.

NeoMedic

1.Ung thư gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như thế nào?

Ung thư thường không có triệu chứng cụ thể, vì vậy để phòng bệnh và phát hiện sớm, người bệnh cần hạn chế các yếu tố nguy cơ và thực hiện biện pháp sàng lọc ung thư phù hợp. Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển của bệnh. Với giai đoạn sớm, cơ thể sẽ khó nhận thấy những dấu hiệu khác biệt. 

Ung thư có thể phát triển tới, hoặc bắt đầu chèn ép các cơ quan, mạch máu và thần kinh lân cận. Chính áp lực này gây ra những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư. Ung thư cũng có thể gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, kiệt sức hoặc sút cân. Điều này có thể do các tế bào ung thư sử dụng rất nhiều nguồn cung cấp năng lượng của cơ thể. Hoặc ung thư có thể giải phóng ra các chất làm thay đổi cách cơ thể tạo năng lượng. Ung thư cũng có thể khiến hệ thống miễn dịch phản ứng và các phản ứng này tạo ra các dấu hiệu và triệu chứng. 

Bệnh ung thư, tuỳ theo mức độ xâm lấn đến các cơ quan – mạch máu – thần kinh kế cận, hoặc lan rộng ra toàn thân mà có thể gây ra các triệu chứng:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, 
  • Mệt mỏi suy nhược, sốt, đau kéo dài
  • Các vấn đề liên quan đến ăn uống tiêu hoá, 
  • Sưng hoặc nổi cục u – nổi hạch, bất thường trên da

→ Các triệu chứng do bệnh gây ra có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc phối hợp hoặc có các triệu chứng khác. 

Đọc thêm:  Ung thư là bệnh gì? Các loại bệnh ung thư

2. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến do bệnh ung thư gây ra

  • Bất thường trên da

Một số bất thường trên da (xuất hiện vết loét không lành hoặc nốt ruồi trên da, thay đổi về màu sắc và kết cấu da) có thể là triệu chứng cảnh báo trực tiếp hoặc gián tiếp của bệnh lý ung thư. 

Thay đổi da, như vàng, sạm hoặc đỏ da, vết loét không lành hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có như xuất hiện nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi thay đổi, kích thước không đối xứng, bề mặt sần sùi có thể kèm theo chảy máu, bờ không đều, hình dạng, màu sắc không đồng nhất, phát triển lớn nhanh và/hoặc lan rộng dần theo thời gian thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da. 

Trong khi đó, tình trạng da sẫm màu, vàng da, da bị ngứa, nổi các nốt đỏ như phát ban có thể là triệu chứng giúp cảnh báo bệnh ung thư ở gan, buồng trứng, thận hoặc hạch. 

  • Ho dai dẳng hoặc khó thở, ho khan. 

Ho thường xảy ra khi người bệnh mắc phải các bệnh lý đường hô hấp, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản hoặc nhiễm trùng.

Tuy nhiên nếu ho khan kéo dài dai dẳng trên 2-4 tuần, không liên quan đến các bệnh lý viêm đường hô hấp và cũng không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường, ho kèm theo máu ra ngoài theo đường hô hấp, đặc biệt nếu người bệnh là người hút thuốc lá thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi – phế quản, ung thư nơi khác di căn chèn ép hầu họng – thanh quản – trung thất. 

  • Khàn giọng kéo dài

Đây là triệu chứng tổn thương hoạt động của dây thanh (do tổn thương nằm trên dây thanh, hoặc do tổn thương dây thần kinh điều khiển hoạt động của dây thanh) có thể là triệu chứng của ung thư thanh quản hoặc tuyến giáp.

  • Thay đổi về vú

Phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu thay đổi trên vú bằng cách đứng trước gương tự khám vú. Nếu như phát hiện có bất kỳ u cục, núm vú tiết dịch, đỏ, dày lên hoặc đau ở ngực thì có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.

Đọc thêm: Thoát Khỏi Ung Thư Vú Nhờ Sáng Lọc Phát Hiện Sớm!

  • Đầy bụng thường xuyên 

Đi kèm với các triệu chứng khác như sụt cân không rõ lý do cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Đầy hơi liên tục ở phụ nữ có thể là một dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

  • Vấn đề khi đi tiểu

Khối u ở ruột, bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc sự chèn ép do khối u từ các cơ quan lân cận trong vùng này (như u tử cung, u buồng trứng) có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của lưu thông đường tiểu. Rối loạn đi tiểu (đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu đau, cảm giác đi tiểu không hết, dòng nước tiểu yếu...). 

Nam giới có thể gặp phải các vấn đề về tiết niệu khi càng lớn tuổi như: đi tiểu nhiều hơn, tiểu ngắt quãng hoặc dòng nước tiểu yếu đi. Đây có thể là những dấu hiệu của phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt. 

  • Sưng hạch bạch huyết

Trong một số bệnh lý ung thư như lymphoma, bệnh bạch cầu hoặc ung thư từ vị trí khác di căn đến hạch bạch huyết cũng có thể gây ra tình trạng sưng hạch này.

  • Có máu sau khi đại tiểu tiện

Bệnh nhân có thể bị rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón). Triệu chứng này xuất hiện có thể là do bệnh trĩ hoặc ung thư đại trực tràng. Nếu xuất hiện máu trong nước tiểu, nguyên nhân có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu hay ung thư hệ tuyến tiền liệt, thận hoặc bàng quang.

  • Thay đổi về tinh hoàn

Các dấu hiệu bất thường ở tinh hoàn mà nam giới có thể nhận thấy như sờ có khối u hoặc sưng hay đôi khi chỉ có cảm giác nặng ở bụng dưới hoặc bìu, kích thước lớn hơn so với trước đây. Khối u không đau là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn. 

  • Khó nuốt

Các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ và ung thư đường tiêu hóa có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến ăn uống. Bệnh lý ung thư vùng miệng, lưỡi, vòm họng có thể khiến bệnh nhân cảm giác như có gì mắc kẹt trong cổ họng, gây nuốt vướng – nuốt khó kéo dài trên 2-4 tuần. 

Triệu chứng khó nuốt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp thực quản, chèn ép từ ngoài vào thực quản. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư hầu họng hoặc thực quản. 

  • Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu bất thường giữa 2 chu kỳ kinh nguyệt hay chảy máu ngoài kỳ kinh có thể có nhiều nguyên nhân gây ra như u xơ cơ tử cung, do các biện pháp tránh thai, một số bệnh lý phụ khoa hoặc ung thư phụ khoa (ung thư nội mạc tử cung, cổ tử cung, âm đạo,…)

  • Xuất hiện những vấn đề ở miệng

Nếu các vết loét màu trắng hoặc đỏ trong miệng mà không lành sau vài tuần, đặc biệt có kèm theo hút thuốc lá thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư hốc miệng.

  • Khó tiêu dai dẳng 

Khó tiêu hoặc khó chịu sau khi ăn, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn – nôn, đau dạ dày có thể do bệnh lý ung thư đường tiêu hóa gây ra.

  • Đau kéo dài

Trong quá trình phát triển và lan rộng, khối u ung thư sẽ gây chèn ép mạch máu thần kinh ở mô và các cơ quan lân cận, có thể gây đau. Ngưỡng đau ở mỗi người là khác nhau. Do đó, nếu nhận thấy các cơn đau kéo dài, mới xuất hiện và không rõ nguyên nhân, đau không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau cơ bản, hoặc mức độ đau ngày càng nặng hơn, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.

 Tùy vào loại ung thư và các biểu hiện chèn ép tương ứng mà vị trí đau sẽ khác nhau. Chẳng hạn như, một số khối u ở não có thể gây đau đầu kéo dài và không thuyên giảm dù đã uống thuốc giảm đau; và ngược lại, không phải tất cả các khối u não đều gây đau đầu. 

  • Chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc bầm tím

Triệu chứng chảy máu có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, như nôn ra máu, ho ra máu, đi tiểu ra máu hoặc đi tiêu ra máu. Ung thư âm đạo, ung thư cổ tử cung có thể gây ra tình trạng chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh. 

Ngoài ra, tình trạng xuất huyết dưới da (bầm tím) kéo dài cũng có thể là biểu hiện của ung thư do gây rối loạn chức năng đông máu – cầm máu. 

  • Thay đổi cân nặng bất thường

Giảm hoặc tăng ngoài ý muốn. Trong trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân, giảm cân quá nhanh, giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn và/hoặc giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể nhưng không có bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào (luyện tập thể dục, thay đổi chế độ ăn, căng thẳng…) thì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ của ung thư như: ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi,…

Dù không đặc hiệu, sụt cân là một trong những dấu hiệu ung thư mà bệnh nhân có thể sẽ gặp phải từ sớm, nguyên nhân có thể liên quan cục bộ đến bất thường ở đường tiêu hoá, hoặc rối loạn toàn thân do bệnh lý ung thư gây ra.

  • Sốt kéo dài

Sốt thường là dấu hiệu cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc. 

Nếu sốt cao, sốt không biến mất mà kéo dài dai dẳng, nhất là khi tình trạng sốt lặp đi lặp lại và thường gặp vào một vài thời điểm trong ngày (chiều tối, ban đêm...) kèm theo vã mồ hôi và không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư (đặc biệt là ung thư máu) như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết.

  • Chứng ợ nóng

Đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày

  • Mệt mỏi, suy nhược kéo dài

Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu sớm của một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. 

Trong bệnh này, triệu chứng mất máu xuất hiện gây ra biểu hiện mệt mỏi cho người bệnh. Ngoài ra, khối u ung thư sử dụng chất dinh dưỡng từ cơ thể để phát triển và lan rộng, đồng thời cũng có thể tiết ra các chất làm rối loạn quá trình chuyển hoá cũng như rối loạn các hoạt động của cơ thể. 

Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược không cải thiện mặc dù đã nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn – lối sống. Đồng thời, những triệu chứng khác do bệnh ung thư gây ra (như đau nhức, sụt cân, chán ăn…) cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

  • Sưng hoặc nổi cục u, nổi hạch

Bệnh ung thư xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát, từ đó hình thành khối u và/hoặc di căn đến khối hạch ở vùng lân cận. Vì vậy, những cục u hoặc hạch xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như cổ, nách, vú, bẹn...có thể là dấu hiệu của ung thư.



 

Đặt khám, tư vấn miễn phí

Nhận tư vấn từ chuyên gia, bác sĩ NeoMedic