Ung thư vú - Nguy cơ, chẩn đoán, phân loại và điều trị

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến ở nữ giới. Ung thư vú thường có những dấu hiệu phổ biến, phụ nữ nên tự khám vú tại nhà thường xuyên và đi khám nếu có dấu hiệu bất thường.

Ung thư vú là gì?

Giống như tất cả các bệnh ung thư khác, ung thư vú là tình trạng phát triển không kiểm soát được của các tế bào bất thường tuyến vú. Những tế bào này cũng có thể di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể nơi chúng không thường được tìm thấy. Khi điều này xảy ra, sẽ được gọi là ung thư di căn

Ung thư vú thường bắt đầu từ các tuyến tạo sữa (gọi là ung thư biểu mô thùy) hoặc từ các ống dẫn sữa đến núm vú (gọi là ung thư biểu mô ống). Các tế bào bất thường này có thể phát triển lớn hơn tại vú và lan đến các hạch bạch huyết vùng ngực hoặc đi theo đường máu tới các cơ quan khác. Ung thư có thể phát triển và xâm lấn mô vú, chẳng hạn như da hoặc thành ngực

Các loại ung thư vú khác nhau sẽ phát triển và lan rộng với tốc độ khác nhau. Một số loại ung thư vú mất nhiều năm để lan tới các nơi khác trong cơ thể, trong khi một số khác phát triển và lan rộng nhanh chóng.

Ai có nguy cơ mắc ung thư vú?

Nam giới  cũng có thể mắc ung thư vú, nhưng điều này chỉ chiếm ít hơn 1% tất cả các trường hợp ung thư vú. Ở phụ nữ, ung thư vú đứng thứ hai trong các ung thư thường gặp ở nữ giới, sau ung thư da và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư, sau ung thư phổi.

Trung bình cứ 8 phụ nữ thì sẽ có 1 người mắc ung thư vú. Khoảng 2/3 phụ nữ bị ung thư vú từ 55 tuổi trở lên. Và 1/3 phụ nữ còn lại mắc ung thư vú trong khoảng từ 35 đến 54 tuổi

May mắn thay, ung thư vú có thể được điều trị nếu phát hiện sớm. Ung thư tại chỗ (nghĩa là tế bào ung thư chưa lan đến các cơ quan khác ngoài vú) có thể được điều trị trước khi tế bào ung thư lan rộng.

Triệu chứng ung thư vú

Các triệu chứng của ung thư vú bao gồm: 

  • Một khối u hoặc vùng dày lên trong hoặc gần vú hoặc nách tồn tại trong một thời gian dài
  • Một khối hoặc cục, ngay cả khi khối này cảm giác chỉ nhỏ như hạt đậu
  • Sự thay đổi về kích thước, hình dạng hay đường cong vú
  • Núm vú tiết dịch, có thể có máu hoặc dịch trong
  • Thay đổi tại da vú hoặc núm vú. Có thể biểu hiện như lúm đồng tiền, nhăn nheo, có vảy hoặc bị viêm
  • Da đỏ vùng vú hoặc núm vú
  • Biến đổi bất thường khác biệt với vùng còn lại trên cả hai vú
  • Một vùng cứng như đá cẩm thạch dưới da vú.
trieu-chung-ung-thu-vu

Các triệu chứng cảnh báo ung thư vú

Đọc thêm về Dấu hiệu ít gặp hơn của ung thư vú.

Các loại ung thư vú

Một số loại ung thư vú phổ biến nhất bao gồm: 

Ung thư tại chỗ. Tế bào ác tính chưa lan qua ống dẫn hoặc tiểu thùy.

  • Ung thư biểu mô ống tại chỗ (Ductal carcinoma in situ - DCIS): Đây là ung thư biểu mô ống ở giai đoạn sớm nhất (giai đoạn 0). Trong trường hợp này, tế bào ác tính vẫn còn trong ống dẫn sữa. Nhưng nếu loại này không được điều trị, tế bào ung thư có thể sẽ xâm lấn. DCIS thường điều trị hiệu quả
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (Lobular carcinoma in situ – LCIS): Các tế bào ác tính chỉ được tìm thấy trong tiểu thùy, nơi tuyến vú tiết sữa. LCIS không hẳn là bệnh lý ung thư, nhưng điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng mắc ung thư trong tương lai. Nếu bạn mắc loại ung thư này, bạn nên thăm khám vú và chụp mammography thường xuyên.

Ung thư xâm lấn. Tế bào ác tính đã lan rộng hoặc xâm lấn mô vú xung quanh

  • Ung thư biểu mô ống xâm lấn hoặc xâm nhập (Invasive or infiltrating ductal carcinoma – IDC). Khối ung thư bắt đầu từ các ống dẫn sữa. Tế bào ác tính xuyên qua thành ống dẫn và xâm lấn mô mỡ của vú. IDC là dạng phổ biến nhất, chiếm 80% các trường hợp xâm lấn
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (Invasive lobular carcinoma – ILC). Loại ung thư này bắt đầu ở các tiểu thùy nhưng lan ra các mô xung quanh hoặc các bộ phận khác của cơ thể. ILC chiếm khoảng 10% ung thư vú xâm lấn. Các loại phụ của ILC bao gồm:
  • Ung thư biểu mô tuyến nang (Adenoid cystic (or adenoid cystic) carcinoma). Tế bào ung thư tương tự như các tế bào được tìm thấy trong tuyến nước bọt và nước bọt
  • Ung thư biểu mô vảy mức độ thấp (Low-grade adenosquamous carcinoma (a type of metaplastic carcinoma)). Khối ung thư hiếm gặp này thường phát triển chậm và hay bị nhầm lẫn với các loại ung thư khác
  • Ung thư biểu mô dạng tuỷ (Medullary carcinoma). Khối u ở loại ung thư hiếm gặp này là một khối mềm, xốp và trông giống như tuỷ sống - một phần của bộ não 
  • Ung thư biểu mô dịch nhầy (Mucinous carcinoma). Khối u ở loại ung thư hiếm gặp này trôi nổi trong một bể chất nhầy và một phần của chất nhớt, trơn tạo nên chất nhầy
  • Ung thư biểu mô dạng nhú (Papillary carcinoma). Các tế bào ung thư xếp thành những nhánh nhú lên như ngón tay. Loại ung thư hiếm gặp này thường ảnh hưởng đến phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh
  • Ung thư biểu mô dạng ống (Tubular carcinoma). Khối u phát triển chậm và có dạng hình ống

Các loại ung thư vú ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Ung thư vú dạng viêm (Inflammatory breast cancer). Loại ung thư hiếm gặp này được gây ra bởi các tế bào viêm trong mạch bạch huyết trên da
  • Bệnh Paget của núm vú (Paget's disease of the nipple). Loại ung thư này ảnh hưởng đến quầng vú, vùng da mỏng quanh núm vú
  • U Phyllodes của vú (Phyllodes tumors of the breast). Khối u hiếm gặp này phát triển theo hình giống như chiếc lá. U Phyllodes phát triển nhanh chóng nhưng hiếm khi lan rộng
  • Angiosarcoma. Loại ung thư hiếm gặp này bắt đầu trong máu và mạch bạch huyết trong mô vú hoặc trong da vú. Angiosarcoma có thể xảy ra sau khi xạ trị
  • Ung thư vú di căn (Metastatic breast cancer). Khối ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể như não, xương hoặc phổi.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

Các chuyên gia không khẳng định về nguyên nhân gây nên ung thư vú, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ đóng vai trò gây nên bệnh như: tuổi, yếu tố di truyền, tiền sử sức khoẻ cá nhân và chế độ ăn uống. Một số yếu tố bạn có thể kiểm soát được, tuy nhiên cũng có những yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Những yếu tố nguy cơ gây nên ung thư vú mà bạn không thể kiểm soát

  • Tuổi. Phụ nữ hơn 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú hơn phụ nữ trẻ tuổi
  • Chủng tộc. Phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng mắc ung thư vú trước khi mãn kinh hơn phụ nữ da trắng
  • Độ dày của vú. Nếu vú của bạn có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ, điều này có thể gây khó khăn trong việc phát hiện khối u trên phim chụp mammography.
  • Tiền sử mắc bệnh ung thư.Tỷ lệ mắc ung thư vú của bạn sẽ tăng nhẹ nếu bạn đã mắc một số bệnh vú lành tính. Tỷ lệ này tăng mạnh hơn nếu bạn đã từng bị ung thư vú.
  • Tiền sử gia đình. Nếu một người thân là nữ giới (mẹ, chị gái hoặc con gái) bị ung thư vú, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai lần. Có hai hoặc nhiều người thân có tiền sử ung thư vú làm tăng nguy cơ của bạn ít nhất ba lần. Điều này đặc biệt đúng nếu người thân của bạn bị ung thư trước khi mãn kinh hoặc nếu khối ung thư ảnh hưởng đến cả hai bên vú. Nguy cơ cũng có thể tăng lên nếu cha hoặc anh trai của bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
  • Yếu tố về gen. Những thay đổi đối với hai gen, BRCA1 và BRCA2, chịu trách nhiệm cho một số trường hợp ung thư vú trong gia đình. Nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 200 phụ nữ thì sẽ có một người có một trong những gen này. Mặc dù BRCA1 và BRCA2 khiến bạn dễ bị ung thư hơn nhưng không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị ung thư. Nếu bạn có đột biến BRCA1 hoặc BRCA2, bạn có 7/10 khả năng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở tuổi 80. Những gen này cũng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng và chúng có liên quan đến ung thư tuyến tụy và ung thư vú ở nam giới. Các đột biến gen khác liên quan đến nguy cơ ung thư vú bao gồm đột biến gen PTEN, gen ATM, gen TP53, gen CHEK2, gen CDH1, gen STK11 và gen PALB2. Những gen này có nguy cơ phát triển ung thư vú thấp hơn so với gen BRCA.
  • Tình trạng kinh nguyệt. Tỷ lệ mắc ung thư vú của bạn tăng lên nếu:

- Thời kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu trước năm 12 tuổi

- Kinh nguyệt của bạn tiếp tục kéo dài cho đến khi bạn 55 tuổi

  • Bức xạ. Nếu bạn đã điều trị bệnh lý ung thư như ung thư hạch Hodgkin trước 40 tuổi, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Dietylstilbestrol (DES). Các bác sĩ đã sử dụng loại thuốc này từ năm 1940 đến 1971 để ngăn ngừa sảy thai. Nếu bạn hoặc mẹ bạn dùng nó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú của bạn sẽ tăng lên.

Những yếu tố nguy cơ gây nên ung thư vú bạn có thể kiểm soát

  • Hoạt động thể chất. Bạn càng ít hoạt động thể dục thì nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao
  • Tình trạng cân nặng và chế độ ăn uống. Thừa cân sau khi mãn kinh làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú của bạn.
  • Rượu bia. Uống rượu thường xuyên - đặc biệt là nhiều hơn một ly mỗi ngày - làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Tiền sử sinh sản.
  • Bạn có con đầu lòng sau 30 tuổi.
  • Bạn không cho con bú.
  • Bạn không có thai kỳ đủ tháng.
  • Sử dụng liệu pháp hormone. Nguy cơ mắc ung thư vú của bạn có thể tăng lên nếu bạn:
  • Sử dụng liệu pháp thay thế hormone (Hormone Replacement Therapy) bao gồm cả estrogen và progesterone trong thời kỳ mãn kinh kéo dài hơn 5 năm. Sự gia tăng nguy cơ ung thư vú sẽ xuất hiện sau 5 năm kể từ khi bạn ngừng điều trị.
  • Sử dụng một số phương pháp ngừa thai nhất định bao gồm thuốc tránh thai, tiêm tránh thai, que cấy, vòng tránh thai, miếng dán da hoặc vòng âm đạo có chứa hormone.

Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú đều không có những yếu tố nguy cơ này. Mặt khác, 75% phụ nữ bị ung thư vú không có các yếu tố nguy cơ đã biết. 

Tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ ung thư vú.

Chẩn đoán ung thư vú

Nếu bạn cảm thấy có khối u hoặc dấu hiệu bất thường xuất hiện trên phim chụp mammography, bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình chẩn đoán ung thư vú.

Bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ khám vú và thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

Chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ sẽ sử dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra vú

  • Siêu âm. Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về vú 
  • Chụp mammography. Giúp bác sỹ quan sát chính xác hơn về khối u và các vấn đề khác
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Sử dụng từ trường, sóng vô tuyến được liên kết với máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong vú
  • Sinh thiết. Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy mô hoặc chất lỏng từ khối u vú. Bác sĩ quan sát mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư và nếu có, họ sẽ tìm hiểu xem chúng thuộc loại ung thư nào. Các xét nghiệm sinh thiết bao gồm:
  • Chọc hút tế bào kim nhỏ (Fine-needle aspiration – FNA). Chỉ định cho những khối u dễ tiếp cận hoặc những khối chứa đầy dịch.
  • Sinh thiết kim lõi (Core-needle biopsy). Sử dụng kim lớn hơn để lấy mảnh mô.
  • Sinh thiết mở hay Sinh thiết tức thì trong quá trình phẫu thuật (Surgical (open) biopsy). Bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ khối u cùng với các mô vú lân cận trong quá trình phẫu thuật, mẫu bệnh phẩm sẽ được sinh thiết tức thì.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết (Lymph node biopsy). Bác sĩ sẽ loại bỏ một phần hạch bạch huyết dưới cánh tay để sinh thiết phát hiện ung thư có di căn hạch hay không
  • Sinh thiết hướng dẫn của phương pháp chẩn đoán hình ảnh (Image-guided biopsy). Bác sĩ sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh để hướng dẫn kim sinh thiết.

-> Bác sĩ kiểm tra mẫu sinh thiết của bạn để đánh giá:

  • Đặc điểm khối u (Tumor features). Đánh giá đây là ung thư xâm lấn hay ung thư tại chỗ, ung thư biểu mô ống hay ung thư biểu mô tiểu thuỳ? Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hay chưa? Bác sĩ cũng đo lường các diện cắt vùng rìa của khối u và khoảng cách từ diện cắt vùng rìa của khối u đến rìa của mô sinh thiết, được gọi là độ rộng diện cắt.
  • Thụ thể estrogen (ER) và thụ thể progesterone (PR) (Estrogen receptors (ER) and progesterone receptors (PR)). Bác sĩ sẽ nhận định khả năng hormone estrogen hoặc progesterone làm cho ung thư phát triển. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề ung thư sẽ tái phát như thế nào và phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất để ngăn ngừa tái phát
  • Thụ thể HER2. Xét nghiệm này phát hiện yếu tố tăng trưởng 2 của thụ thể biểu bì người. Thụ thể này có thể làm cho ung thư phát triển nhanh hơn. Nếu bệnh ung thư của bạn dương tính với HER2, liệu pháp nhắm đích có thể là một lựa chọn điều trị cho bạn.
  • Độ mô học (Grade). Điều này cho bác sĩ biết tế bào ung thư khác biệt như thế nào với tế bào bình thường và tế bào ung thư đang phát triển chậm hơn hay nhanh hơn.
  • Xét nghiệm dự đoán khả năng đáp ứng và tái phát của ung thư vú giai đoạn sớm (Oncotype XD). Xét nghiệm này đánh giá 16 gen liên quan đến ung thư và 5 gen tham chiếu để ước tính nguy cơ ung thư tái phát trong vòng 10 năm sau khi chẩn đoán.
  • Chỉ số ung thư vú. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ quyết định bạn cần điều trị nội tiết như thế nào.
  • MammaPrint. Xét nghiệm này sử dụng dữ liệu từ 70 gen để dự đoán nguy cơ tái phát ung thư.
  • PAM50 (Prosigna). Xét nghiệm này sử dụng dữ liệu từ 50 gen để dự đoán liệu ung thư có lan rộng hay không.
mammography-chan-doan-ung-thu-vu

Chụp mammography chẩn đoán ung thư vú


Tìm hiểu thêm về sinh thiết để chẩn đoán ung thư vú.

Bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu bao gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu (Complete blood count - CBC). Xét nghiệm này đếm số lượng các loại tế bào khác nhau trong má, như hồng cầu và bạch cầu. CBC giúp bác sĩ đánh giá liệu tủy xương có đang hoạt động bình thường hay không.
  • Sinh hóa máu (Blood chemistry). Xét nghiệm này đánh giá chức năng gan và thận 
  • Xét nghiệm viêm gan (Hepatitis tests). Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra tình trạng viêm gan B và viêm gan C. Nếu bạn bị nhiễm virus viêm gan B thể hoạt động, bạn cần điều trị với thuốc kháng virus trước khi hóa trị. Nếu không điều trị, hóa trị có thể khiến virus phát triển và huỷ hoại gan của bạn.

Giai đoạn ung thư vú

  • Giai đoạn sớm, giai đoạn 0 hoặc ung thư vú không xâm lấn. Bệnh lý chỉ biểu hiện tại vú, không có dấu hiệu lan đến các hạch bạch huyết (bác sĩ gọi đây là ung thư biểu mô tại chỗ).
  • Ung thư vú giai đoạn I. Khối u có kích thước từ 2 cm trở xuống và chưa lan rộng.
  • Ung thư vú giai đoạn IIA
  • Khối u kích thước nhỏ hơn 2 cm, di căn hạch bạch huyết dưới cánh tay.
  • Khối u lớn hơn 2 nhưng nhỏ hơn 5 cm, không di căn hạch bạch huyết.
  • Ung thư vú giai đoạn IIB
  • Khối u lớn hơn 5 cm, không di căn hạch bạch huyết dưới cánh tay
  • Khối u lớn hơn 2 nhưng nhỏ hơn 5 cm, có di căn hạch bạch huyết.
  • Ung thư vú giai đoạn IIIA hoặc ung thư vú tiến triển tại chỗ:
  • Một khối u lớn hơn 5 cm đã lan đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay hoặc gần xương ức.
  • Bất kỳ khối u kích thước nào với các hạch bạch huyết ung thư dính vào nhau hoặc mô lân cận.
  • Ung thư vú giai đoạn IIIB. Khối u bất kỳ kích thước nào đã lan qua da hoặc thành ngực.
  • Ung thư vú giai đoạn IIIC. Khối u bất kỳ kích thước nào đã lan rộng hơn và di căn nhiều hạch bạch huyết hơn.
  • Ung thư vú giai đoạn IV (di căn). Khối u bất kỳ kích thước nào đã lan đến những cơ quan khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, phổi, gan, não hoặc các hạch bạch huyết ở xa.

Tìm hiểu thêm thông tin về giai đoạn của ung thư vú.

Điều trị ung thư vú

Nếu bạn được chẩn đoán ung thư vú, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn xây dựng kế hoạch điều trị để loại bỏ ung thư nhằm giảm khả năng ung thư tái phát và di căn xa. Điều trị bệnh thường diễn ra trong vòng vài tuần sau khi chẩn đoán.

Vấn đề điều trị sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, kết quả giải phẫu bệnh và giai đoạn bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá tuổi tác và sức khỏe tổng quát cũng như mong muốn của bạn về các lựa chọn điều trị.

Điều trị tại chỗ

Phương pháp này loại bỏ, tiêu diệt hoặc kiểm soát các tế bào ung thư ở một khu vực cụ thể, ví dụ như vú. Điều trị tại chỗ bao gồm:

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật bảo tồn (Breast-conserving surgery). Bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ phần ung thư, cùng với một số mô lân cận. Phần tế bào ung thư được lấy bỏ tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Phẫu thuật bảo tồn bao gồm: 
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u (Lumpectomy)
  • Phẫu thuật cắt bỏ phần tư vú (Quadrantectomy)
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần vú (Partial mastectomy)
  • Phẫu thuật cắt bỏ phân đoạn vú (Segmental mastectomy)
  • Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết (Surgery to remove lymph nodes). Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy bỏ các hạch bạch huyết dưới cánh tay của bạn để đánh giá xem ung thư đã lan rộng hay chưa. Phẫu thuật này gồm 2 loại:
  • Sinh thiết hạch gác cửa (Sentinel lymph node biopsy). Bác sĩ loại bỏ một hoặc một vài hạch bạch huyết nơi ung thư có nhiều khả năng lan đến nhất.
  • Nạo vét hạch nách (Axillary lymph node dissection). Phẫu thuật này liên quan đến nhiều hạch hơn, mặc dù thường ít hơn 20 hạch.
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú (Mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, cùng với tất cả các mô vú và đôi khi là các mô lân cận. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú bao gồm:
  • Phẫu thuật cắt vú đơn giản hoặc toàn bộ (Simple or total mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ toàn bộ vú, nhưng không loại bỏ các hạch bạch huyết dưới cánh tay trừ khi hạch nằm trong mô vú.
  • Phẫu thuật cắt vú triệt căn cải biên (Modified radical mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú cùng với các hạch bạch huyết dưới cánh tay.
  • Phẫu thuật cắt vú triệt căn (Radical mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ vú và các hạch bạch huyết dưới cánh tay cho đến tận xương đòn, cũng như các cơ thành ngực dưới vú.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú một phần (Partial mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ các mô vú bị ung thư và một số mô lân cận - thường loại bỏ nhiều hơn so với phẫu thuật bảo tồn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú tiết kiệm núm vú (Nipple-sparing mastectomy). Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả các mô vú nhưng chỉ để lại núm vú.
  • Phẫu thuật cắt vú dự phòng đối bên (Contralateral prophylactic mastectomy). Nếu bạn bị ung thư ở một bên vú và có nguy cơ rất cao bị ung thư ở vú còn lại, bạn có thể lựa chọn cắt bỏ cả hai bên vú.


Tìm hiểu thêm về lựa chọn phẫu thuật ung thư vú.

xa-tri-ung-thu-vu

Xạ trị ung thư vú

Xạ trị (Radiation). Vấn đề bạn có chỉ định xạ trị hay không và được chỉ định loại xạ trị nào phụ thuộc vào loại phẫu thuật mà bạn đã thực hiện, tình trạng ung thư lan đến các hạch bạch huyết hoặc tình trạng di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, kích thước của khối u và tuổi của bạn. Bạn có thể có một loại hoặc kết hợp các phương pháp xạ trị khác nhau:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài (External beam radiation). Nguồn phát tia phóng xạ đặt ở bên ngoài bệnh nhân. Thời gian xạ trị thường diễn ra 5 ngày một tuần và xạ trị trong 5 đến 6 tuần. Một số loại xạ trị chùm tia bên ngoài bao gồm:
  • Xạ trị giảm phân liều (Hypofractionated radiation therapy). Tăng liều chiếu của mỗi phân liều hàng ngày để giảm tổng thời gian của liệu trình xạ trị, thường chỉ trong 3 tuần.
  • Xạ trị trong phẫu thuật (Intraoperative radiation therapy - IORT). Trong phương pháp này, bạn sẽ được chiếu một liều lượng lớn duy nhất trong phòng phẫu thuật ngay sau khi thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú (trước khi vết thương được khâu lại).
  • Xạ trị không gian 3 chiều (3D-conformal radiotherapy). Bạn nhận được bức xạ từ các máy đặc biệt có thể nhắm tốt hơn vào khu vực có khối u. Bạn sẽ được xạ trị hai lần một ngày và xạ trị trong 5 ngày.
  • Xạ trị áp sát (Liệu pháp phóng xạ) (Internal radiation (brachytherapy)). Đối với phương pháp này, bác sĩ đặt nguồn phóng xạ vào bên trong cơ thể bạn trong một thời gian ngắn.
  • Xạ trị áp sát kẽ (Interstitial brachytherapy). Bác sĩ chèn một số ống nhỏ, rỗng gọi là ống thông vào vú xung quanh khu vực ung thư. Ống thông được giữ tại khu vực này trong vài ngày. Các bác sĩ đặt các hạt phóng xạ vào ống thông trong thời gian ngắn mỗi ngày.
  • Xạ trị đặt trong cơ thể (Intracavitary brachytherapy). Đây là liệu pháp xạ trị phổ biến nhất cho phụ nữ bị ung thư vú. Bác sĩ sử dụng một ống thông nhỏ để đưa một thiết bị vào bên trong vú. Thiết bị được mở rộng và giữ nguyên vị trí trong quá trình điều trị. Đầu còn lại của thiết bị nhô ra khỏi bầu ngực. Bác sĩ sử dụng một ống để đưa các nguồn bức xạ (thường là dạng hạt) vào thiết bị. Bạn thường được xạ trị hai lần một ngày và điều trị trong 5 ngày như bệnh nhân ngoại trú. Sau lần điều trị cuối cùng, bác sĩ lấy thiết bị ra khỏi cơ thể bạn. 

Tìm hiểu thêm về xạ trị ung thư vú.

Điều trị toàn thân 

Phương pháp này tiêu diệt hoặc kiểm soát các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Những phương pháp điều trị toàn thân bao gồm:

Hóa trị (Chemotherapy). Bạn có thể được điều trị hóa chất dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm đường tĩnh mạch. Hóa trị có thể là phương pháp điều trị chính của bạn nếu bạn được chẩn đoán ung thư vú tiến triển. Bạn cũng có thể được chỉ định hóa trị trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ - neoadjuvant chemotherapy) hoặc sau khi phẫu thuật (hóa trị bổ trợ - adjuvant chemotherapy).

hoa-tri-ung-thu-vu

Hóa trị ung thư vú

Tìm hiểu thêm về hóa trị điều trị ung thư vú.

Liệu pháp hormone (Hormone therapy). Một số bệnh ung phụ thuộc vào kích thích tố để phát triển. Những loại thuốc này ngăn chặn các hormone gắn vào tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát.

Điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (Selective estrogen receptor modulators - SERMs):

  • Tamoxifen
  • Toremifene (Fareston)

Đối vận thụ thể estrogen chọn lọc (Selective estrogen receptor degraders - SERDs): 

  • Elacestrant (Orserdu)
  • Fulvestrant (Faslodex)

Thuốc ức chế aromatase (Aromatase inhibitors):

  • Anastrozol (Arimidex)
  • Exemestane (Aromasin)
  • Letrozole (Femara)

Chất chủ vận hormone giải phóng hormone tạo hoàng thể (Luteinizing hormone-releasing hormone - LNRH):

  • Goserelin (Zoladex)
  • Leuprolide (Lupron)

Chi tiết về liệu pháp hormone điều trị ung thư vú.

  • Thuốc nhắm đích (Targeted drugs). Những loại thuốc này ngăn chặn những thay đổi khiến tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Kháng thể đơn dòng (Monoclonal antibodies):

  • Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla)
  • Fam-trastuzumab deruxtecan (Enhertu)
  • Margetuximab (Margenza)
  • Pertuzumab (Perjeta)
  • Sacituzumab govitecan (Trodelvy)
  • Trastuzumab (Herceptin)
  • Thuốc tiêm trastuzumab và hyaluronidase (Herceptin Hylecta)
  • Thuốc tiêm trastuzumab, pertuzumab và hyaluronidase (Phesgo)

Thuốc ức chế Kinase (Kinase inhibitors):

  • Lapatinib (Tykerb)
  • Neratinib (Nerlynx)
  • Tucatinib (Tukysa)

Thuốc ức chế CDK4/6 (CDK4/6 inhibitors): 

  • Abemaciclib (Verzenio)
  • Palbociclib (Ibrance)
  • Ribociclib (Kisqali)

Thuốc ức chế mTOR (mTOR inhibitor):

  • Everolimus (Afinitor)

Thuốc ức chế PI3K (PI3K inhibitor): 

  • Alpelisib (Piqray)

Thuốc ức chế PARP (PARP inhibitors):

  • Olaparib (Lynparza)
  • Talazoparib (Talzenna)

Tìm hiểu thêm về liệu pháp nhắm đích điều trị ung thư vú.

Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy). Các loại thuốc như pembrolizumab (Keytruda) - một chất ức chế PD-1, giúp hệ thống miễn dịch của bạn chống lại ung thư. Tìm hiểu ưu điểm và nhược điểm của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư.

Phòng ngừa ung thư vú

Những lời khuyên này có thể giúp bạn phòng ngừa ung thư vú:

  • Kiểm soát cân nặng . Thừa cân và tăng cân khi trưởng thành làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú sau khi mãn kinh.
  • Duy trì hoạt động thể lực Tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Đặt mục tiêu 150 phút hoạt động nhẹ hoặc 75 phút hoạt động tăng cường thể lực mỗi tuần (hoặc kết hợp). Hoạt động thể lực nên được phối hợp thực hiện đều đặn hàng tuần.
  • Hạn chế hoặc bỏ rượu. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ không nên uống quá một ly rượu mỗi ngày. 
  • Phụ nữ cho con bú. Việc duy trì cho con bú sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú
  • Hạn chế liệu pháp hormone sau khi mãn kinh-. Trao đổi với bác sĩ về việc lựa chọn không sử dụng nội tiết tố để điều trị các triệu chứng sau mãn kinh của bạn.
  • Sàng lọc ung thư vú). Các khuyến cáo với người bệnh là khác nhau tùy theo độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh cũng như một số yếu tố khác:
  • Nếu bạn 40-49 tuổi: Chụp mammography 2 năm một lần nếu bạn và bác sĩ của bạn đánh giá bạn nên thực hiện
  • Nếu bạn 50-74 tuổi: Chụp mammography 2 năm một lần.
  • Nếu bạn 75 tuổi trở lên: Trao đổi với bác sĩ xem bạn có nên tiếp tục chụp mamography hay không.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo

  • Nếu bạn 40-44 tuổi: Chụp mammography hàng năm nếu bạn và bác sĩ của bạn đánh giá bạn nên thực hiện
  • Nếu bạn 45-54 tuổi: Chụp mammography hàng năm.
  • Nếu bạn 55-74 tuổi: Chụp mammography 1 hoặc 2 năm một lần.
  • Nếu bạn 75 tuổi trở lên: Chụp mammography hàng năm miễn là bạn có sức khỏe tốt và dự kiến ​​sống được 10 năm trở lên.

Tìm hiểu thêm về chụp mammography để phát hiện ung thư vú.

Tầm soát nếu bạn có nguy cơ cao

Nếu bạn có một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, hãy trao đổi với bác sĩ về một số phương pháp có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh của bạn. Các phương pháp này bao gồm:

  • Xét nghiệm di truyền để tìm kiếm sự thay đổi trong gen dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Thăm khám bác sĩ thường xuyên hơn và kiểm tra sàng lọc
  • Các loại thuốc như raloxifene, tamoxifen và chất ức chế aromatase
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc buồng trứng 

Tiên lượng ung thư vú

Tiên lượng của bạn sau mắc bệnh ung thư vú phụ thuộc vào nhiều thứ, bao gồm cả giai đoạn ung thư khi bạn được chẩn đoán.

Gần 100% phụ nữ bị ung thư vú chỉ sống được ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán. Ở những phụ nữ bị ung thư di căn đến mô lân cận, 91% sống thêm ít nhất 5 năm và 84% sống thêm ít nhất 10 năm nữa.

Nếu ung thư vú của phụ nữ đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 86%. Khoảng 27% phụ nữ có khối ung thư di căn xa hơn trong cơ thể sống thêm ít nhất 5 năm nữa.

Tỷ lệ sống sót sau khi mắc ung thư vú của phụ nữ da đen thấp hơn khoảng 9% so với phụ nữ da trắng.

Đối với nam giới bị ung thư vú, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 84%. Nếu khối u chỉ ở vú, 96% nam giới sống thêm ít nhất 5 năm nữa. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 83% nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó và 22% nếu khối ung thư di căn xa hơn trong cơ thể nam giới.

Tìm hiểu thêm thông tin về tỷ lệ sống sót sau ung thư vú.

Bài viết được tham khảo từ nguồn: https://www.webmd.com/breast-cancer/understanding-breast-cancer-basics